Nang ống mật chủ

Thứ bảy - 04/09/2021 12:52
Nang ống mật chủ là một bất thường đường mật khá thường gặp, đặc biệt trên đối tượng bệnh nhân trẻ em. Bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng phẫu thuật nội soi. Trẻ có thể trở về sinh hoạt bình thường sớm sau mổ với tỉ lệ biến chứng thấp.
Nang ống mật chủ
Nang ống mật chủ

Nội dung bài viết:

Nang ống mật chủ là gì?

Bệnh nang ống mật chủ có thường gặp không?

Dấu hiệu và triệu chứng của nang ống mật chủ

Những xét nghiệm dùng để chẩn đoán bệnh

Điều trị nang ống mật chủ như thế nào

Những điều cần lưu ý khi phẫu thuật điều trị nang ống mật chủ

Kết quả lâu dài của phẫu thuật


Nang ống mật chủ là gì?

  • Nang ống mật chủ (NOMC) là một bất thường của hệ thống đường mật. Dịch mật được tạo ra bởi gan, luân chuyển qua các hệ thống đường mật trong và ngoài gan, một phần được lưu trữ trong túi mật, một phần theo các ống của hệ thống đường mật và đổ vào ruột để giúp phân hủy (tiêu hóa) thức ăn.
  • Bình thường các ống dẫn mật và các nhánh chỉ có kích thước vài milimet. Các ống dẫn mật rất nhỏ bắt đầu trong gan, liên kết với nhau (giống như các cành cây nối thành các nhánh) và cuối cùng hình thành ống gan phải và trái thoát ra khỏi gan và kết hợp để trở thành ống gan chính (ống mật chủ). Trong bệnh nang ống mật chủ, một phần hoặc toàn bộ của đường ống mật chủ này tăng kích thước và chứa đầy dịch mật không luân chuyển được.
  • Nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được làm rõ ràng, có thể là bệnh bẩm sinh tiến triển từ thời kì sơ sinh. Trong một số trường hợp, người ta thấy có sự bất thường về giải phẫu nơi ống mật và ống tụy cùng đi vào tá tràng (bất thường kênh chung mật tụy). Vì sự bất thường này, dịch tụy từ tuyến tụy có thể trào ngược lên ống mật khiến ống mật bị tổn thương và giãn ra.

Bệnh nang đường mật có thường gặp hay không?

  • NOMC gặp ở các nước phương Tây với tỉ lệ 1/100.000 – 1/150.000 cá thể. Ở các nước Đông Á như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản,… bệnh gặp nhiều hơn với tỉ lệ 1/10.000. Bệnh gặp nhiều hơn ở trẻ nữ với tỉ lệ nữ/nam là 4/1.
  • Bệnh nang đường mật có thể gây nên các biến chứng
    • Ác tính hóa đường mật nguy cơ tăng lên theo thời gian tiến triển
    • Nhiễm trùng đường mật
    • Viêm tụy
    • Sỏi và bùn mật có thể hình thành trong hệ thống đường mật và gây đau bụng, viêm túi mật.
  • Các bác sĩ phẫu thuật nhi khoa phân loại NOMC dựa trên vị trí giãn của đường mật, từ đó đề ra phương pháp điều trị. Trong đa số các trường hợp, chỉ là giãn ống mật chủ đơn thuần, phần bị giãn này có thể được loại bỏ hoàn toàn bằng phương pháp phẫu thuật. Một số loại có sự bất thường trong lòng tá tràng,  loại này có thể được điều trị bằng phương pháp nội soi qua đường dạ dày. Trong một số trường hợp, tổn thương bất thường gặp ở nhiều vị trí, cả trong và ngoài gan, đòi hỏi các biện pháp điều trị khó khăn hơn.
phan loai nang ong mat chu
Phân loại các thể nang ống mật chủ theo Toldani 1977

Dấu hiệu và triệu chứng của nang ống mật chủ

  • Dấu hiệu ban đầu: NOMC có thể được được chẩn đoán sớm, ngay từ trong thời kì bào thai với siêu âm thai kì. Đa số các trường hợp phát hiện ở thời kì 1 – 3  tuổi. Trẻ có thể có những dấu hiệu như: đau bụng, vàng da, vàng mắt, hoặc gia đình sờ thấy khối ở phần trên của bụng. Một số trường hợp kín đáo, đến thời kì trẻ lớn hoặc trưởng thành mới biểu hiện triệ chứng.
  • Các dấu hiệu / triệu chứng muộn hơn: Khi sỏi và bùn mật hình thành trong nang hoặc trong lòng túi mật, tình trạng tắc nghẽn dịch mật, viêm túi mật, nhiễm trùng đường mật, viêm tụy gây nên triệu chứng đau bụng, nôn, ăn kém, sốt, vàng da điển hình. Bệnh có thể biểu hiện như các đợt đau bụng thoáng qua, điều trị bằng các thuốc thông thường, nhưng tái đi tái lại nhiều lần, lần sau nặng hơn lần trước. Đặc biệt, nang OMC có thể bị vỡ dẫn đến tình trạng rất nặng: nhiễm trùng ổ bụng do dịch mật, thậm chí sốc nhiễm trùng. 
  • Các bệnh khác có cùng triệu chứng: sỏi mật gây tắc mật, viêm xơ đường mật, nang giả tụy (thường xuất hiện sau viêm tụy hoặc chấn thương), nang tá tràng đôi, …

Những xét nghiệm nào được thực hiện để chẩn đoán bệnh?

  • Siêu âm: Siêu âm là biện pháp chẩn đoán hình ảnh đầu tiên, không xâm lấn, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể được thực hiện tại mọi tuyến cơ sở khám chữa bệnh. Qua siêu âm, các bác sĩ có thể quan sát và đo được kích thước đường mật giãn, từ đó xác định được chẩn đoán.  
  • MRCP: (Chụp cộng hưởng từ mật tụy).  Chụp cộng hưởng từ có thể đánh giá chính xác tình trạng đường mật trong và ngoài gan, thậm chí còn dựng được hình toàn bộ hệ thống đường mật nên rất có giá trị trong chẩn đoán nang ống mật chủ. Cộng hưởng từ cũng là phương pháp chẩn đoán hình ảnh an toàn, không yêu cầu bức xạ, không xâm lấn và không gây đau. Trẻ nhỏ có thể cần dùng thuốc an thần hoặc gây mê để trẻ nằm yên khi chụp.
  • Chụp đường mật qua da hoặc qua nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP cholangiogram): Đây là phương pháp có thể đánh giá chính xác hình ảnh đường mật và đưa ra chẩn đoán. Tuy nhiên hiện nay ít dùng vì là phương pháp xâm lấn, đòi hỏi trẻ phải gây mê và thủ thuật có nguy cơ gây nhiễm trùng đường mật.

Điều trị nang ống mật chủ như thế nào?

Việc điều trị NOMC phụ thuộc vào đoạn nào của ống mật chủ bị ảnh hưởng.
  • Phẫu thuật: Trong đa số các trường hợp, chỉ có bất thường ở đường mật ngoài gan, cần phải phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ cắt bỏ phần ống mật bị bệnh, kèm cả túi mật, đồng thời nối ruột lên để nhận dịch mật từ gan xuống để tiêu hóa thức ăn. Tại khoa Ngoại tổng hợp, bệnh viện Nhi trung ương, phẫu thuật này được làm hoàn toàn qua nội soi, được coi là phương pháp phẫu thuật an toàn, và hiệu quả, điều trị khỏi bệnh với tỉ lệ biến chứng rất thấp.
nang ong mat chu 3
Phẫu thuật điều trị nang ống mật chủ
  • Nội soi tiêu hóa: Trong một số loại NOMC ít gặp, bất thường chỉ khu trú ở đoạn đường mật thấp, sát thành tá tràng, có thể can thiệp điều trị qua nội soi dạ dày.  Các bác sĩ sẽ đặt một ống soi mềm vào miệng trẻ và điều chỉnh camera đến tá tràng nơi ống mật chủ chảy ra (bóng Vater) và xử trí thương tổn.
  • Lợi ích: Nang ống mật chủ có thể gây tắc mật và nhiễm trùng đường mật, nhiễm trùng đường tụy gây viêm tụy, Kể cả khi triệu chứng nhẹ hoặc không rõ ràng, nếu nang OMC không được loại bỏ, nguy cơ ung thư của hệ thống đường mật cũng tăng lên theo tuổi gây ảnh hưởng đến tính mạng.
  • Rủi ro: Phẫu thuật được thực hiện thường quy tại trung tâm ngoại tổng hợp bệnh viện Nhi trung ương với tỉ lệ tai biến, rủi ro thấp. Những vấn đề hiếm gặp có thể gặp phải đó là:
    • Chảy máu: có thể gặp ở các trẻ lớn, nang có kích thước lớn, đường mật viêm nhiễm nhiều đợt.  
    • Nhiễm trùng sau phẫu thuật: Trẻ sẽ được sử dụng thuốc kháng sinh dự phòng trước mổ hoặc điều trị kháng sinh sau mổ theo phác đồ.
    • Tắc ruột ssau mổ: biến chứng chung của các phẫu thuật ổ bụng, tinhd trạng này có thể xảy ra vài ngày sau khi phẫu thuật hoặc vài tháng và thậm chí nhiều năm sau đó.
    • Nguy cơ trong quá trình gây mê: Bác sĩ  Gây mê sẽ theo dõi trẻ cẩn thận trong suốt ca mổ. 
    • Tất cả các loại phẫu thuật đều có nguy cơ rủi ro làm tổn thương các cấu trúc khác bên trong cơ thể và có thể cần phải tiến hành thêm các phẫu thuật khác để khắc phục.

Những điều cần lưu ý khi phẫu thuật điều trị nang ống mật chủ

  • Chuẩn bị trước phẫu thuật: 

    • Bệnh nhi cần nhịn ăn uống trong vòng 6 giờ trước khi phẫu thuật để giảm nguy cơ chất trong dạ dày tràn vào phổi (hít vào) khi trẻ sử dụng thuốc gây mê.
    • Bác sĩ phẫu thuật sẽ kiểm tra các xét nghiệm trước mổ nhằm đảm bảo trẻ ở trạng thái sức khỏe an toàn nhất trước mổ.
    •  Nên tắm rửa sạch sẽ ngày trước ngày phẫu thuật, cắt ngắn móng tay chân, tháo bỏ đồ trang sức,… để giảm vi khuẩn trên da và nguy cơ nhiễm trùng. 
  • Chăm sóc sau phẫu thuật

    • Hoạt động: Sau mổ trẻ nên được khuyến khích vận động càng sớm càng tốt, có thể vận động tại chỗ, thay đổi tư thế hoặc đi lại xung quanh. Để giảm các biến chứng về phổi, khuyến khích các bài tập thở như thổi bong bóng, chong chóng hoặc thở sâu. 
    • Chế độ ăn uống: Phẫu thuật có can thiệp vào đường ruột nên lưu thông tiêu hóa sẽ bị ảnh hưởng chậm hoạt động, trẻ cần phải nhịn ăn uống  sau khi phẫu thuật cho đến khi chức năng đường ruột hoạt động trở lại, bằng chứng là có trung tiện hoặc đi ngoài, hoặc đến khi bác sĩ điều trị cho phép. Có thể có một ống thông được đặt qua mũi, có đầu vào dạ dày để hút các chất trong dạ dày khi ruột chưa hoạt động. Ống thông này sẽ tránh cho trẻ bị nôn trớ, khó chịu, nhất là trong ngày đầu tiên sau mổ. 
    • Thuốc: Con bạn có thể cần bất kỳ thứ nào sau đây: 
      • Thuốc chống buồn nôn: Để kiểm soát nôn. 
      • Thuốc giảm đau: thuốc giảm đau có thể được truyền qua tĩnh mạch ngay sau khi phẫu thuật khi ruột chưa hoạt động, hoặc bằng đường uống khi ruột bắt đầu hoạt động. 
  • Chăm sóc sau khi ra viện

    • Bệnh nhân bị nang ống mật chủ có thể được xuất viện sau khi tình trạng tiêu hóa ổn định.
    • Chế độ ăn uống: Trẻ không có chế độ ăn đặc biệt sau phẫu thuật điều trị nang ống mật chủ. Tuy nhiên, do vẫn có nguy cơ của viêm dạ dày sau mổ, chế độ ăn nên hạn chế các chất có vị cay, chua…. 
    • Hoạt động: Trẻ nên tránh hoạt động gắng sức và mang vác nặng trong 1-2 tuần đầu sau phẫu thuật nội soi, 4-6 tuần sau phẫu thuật mở. 
    • Chăm sóc vết thương: Cần giữ vết mổ sạch sẽ và khô ráo trong vài ngày sau khi phẫu thuật. Chỉ khâu thông thường là chỉ không tiêu và không cần cắt chỉ. Bác sĩ điều trị sẽ hướng dẫn cụ thể cho gia đình về việc chăm sóc vết thương, bao gồm cả thời điểm trẻ có thể tắm, thay băng và khám lại sau mổ. 
    • Thuốc: Thông thường không cần điều trị thêm thuốc sau khi ra viện, tuy nhiên, trẻ có thể cần các loại thuốc giảm đau như acetaminophen (paracertamol) hoặc ibuprofen khi ra viện. Một vài trẻ có thể cần thêm thuốc làm mềm phân để tránh táo bón sau phẫu thuật. 
    • Đến khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất khi: đau bụng ngày càng tăng, sốt, nôn, ỉa chảy, vàng da, hoặc tình trạng vết thương tấy đỏ, đau, chảy dịch, chảy máu, hoặc bất cứ bất thường nào khác. 
    • Khám lại sau mổ: Con bạn nên tái khám với bác sĩ phẫu thuật 2-3 tuần sau khi phẫu thuật để đảm bảo vết thương sau phẫu thuật được lành lặn. 
  • Các biến chứng có thể gặp sau mổ

    • Nhiễm trùng vết mổ: có thể chỉ cần dùng thuốc kháng sinh hoặc có thể yêu cầu mở vết thương tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng.
    • Rò miệng nối đường mật: miệng nối đường mật – đường ruột không liền tốt gây chảy dịch mật ra ngoài ổ bụng, Tùy tình trạng tổn thương có thể điều trị theo dõi, bảo tồn hoặc phẫu thuật kiểm tra phục hồi.
    • Tắc ruột non: 3-5% nguy cơ, phần lớn là do mô sẹo hoặc chất kết dính. 

Kết quả lâu dài của phẫu thuật

Bệnh nang ống mật chủ là một bệnh có khả năng khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng, biến chứng gì. Bệnh có tiên lượng rất tốt sau phẫu thuật. Tại Trung tâm Ngoại tổng hợp, bệnh viện Nhi trung ương, phẫu thuật nội soi điều trị nang ống mật chủ được thực hiện thường quy với tỉ lệ tai biến, biến chứng rất thấp.
Các biến chứng xa như hẹp miệng nối đường mật, sỏi mật, tắc ruột sau mổ vẫn có nguy cơ xảy ra mặc dù hiếm gặp, do đó cần phải theo dõi lâu dài. Người bệnh cần khám lại sau mổ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Bình luận

Ngoại nhi - chuyên ngành phẫu thuật cho trẻ em

Các phẫu thuật viên nhi khoa có nhiệm vụ khám, phát hiện và điều trị các bệnh lý cần phải phẫu thuật cho đối tượng trẻ em. Website mong muốn cung cấp một phần nhỏ kiến thức vê lĩnh vực ngoại nhi cho bố mẹ và người chăm sóc trẻ, cũng như góp thêm ý kiến cho các nhân viên y tế thuộc chuyên ngành...

Thống kê
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay829
  • Tháng hiện tại18,441
  • Tổng lượt truy cập2,036,074
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây