Bác sĩ bệnh viện Nhihttp://ngoainhi.com/uploads/6604287.png
Thứ sáu - 10/11/2023 11:17
Chấn thương ngực là chấn thương thường gặp ở trẻ em có thể ảnh hưởng nặng nề đến chức năng hô hấp của trẻ. Nếu không được sơ cứu và điều trị kịp thời có thể có nguy cơ tử vong.
1. ĐẠI CƯƠNG
Chấn thương ngực (CTN/Thoracic trauma) ở trẻ em khi xảy ra sẽ gợi ý cho cơ chế chấn thương, thường có tổn thương kèm theo, nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, cần được khám, đánh giá kĩ, cấp cứu kịp thời. CTN thường xảy ra với trẻ trai, bệnh chiếm 0,2 - 7% các chấn thương ở trẻ và tổn thương do vật sắc nhọn so với vật tù rất khác nhau theo từng vùng. Tỉ lệ tử vong CTN trẻ em là 25%, thường trước khi đến viện do sốc mất máu hay tràn khí áp lực phổi.
2. NGUYÊN NHÂN
Trẻ nhỏ thường liên quan đến tai nạn giao thông, tuổi học đường thường do các dụng cụ thể thao, xe đạp. Trẻ lớn thường liên quan với bạo lực, rượu... Chấn thương ngực có thể do vật tù (80%) hay vật sắc nhọn gây nên.
3. CHẨN ĐOÁN
3.1. Lâm sàng
- Dấu hiệu suy hô hấp: tím tái, thở nhanh, rút lõm ngực. - Thành ngực có vết xước, bầm máu. - Ngực không đối xứng (tràn máu, tràn khí màng phổi). - Mảng sườn di động, phì phò khí nơi tổn thương (vết thương xuyên thấu phổi). - Tĩnh mạch cổ nổi chỉ điểm chèn ép tim hay tràn khí màng phổi áp lực. - Gõ vang trong tràn khí màng phổi, gõ đục trong tràn máu màng phổi. - Phế âm giảm một bên trong tràn khí, tràn máu màng phổi. - Tiếng tim mờ trong tràn máu màng tim.
3.2. Cận lâm sàng
- Hình ảnh chụp ngực tư thế thẳng, nghiêng, cắt lớp vi tính ngực. - Siêu âm ngực, tim, bụng. - Đo SpO2, khí máu khi có suy hô hấp, đo ECG và mắc monitor theo dõi nhịp tim khi nghi ngờ có tổn thương tim.
3.3. Chẩn đoán xác định
Tùy theo tổn thương.
4. ĐIỀU TRỊ
4.1. Mục tiêu, nguyên tắc điều trị
- Cấp cứu ngay tình trạng nguy kịch. - Khám và đánh giá các tổn thương. - Điều trị đặc hiệu, phát hiện và điều trị sớm các biến chứng.
4.2. Điều trị cụ thể
- Gãy xương sườn, xương ức đơn thuần có thể hồi phục sau bất động bằng băng dính. - Mảng sườn di động: hiếm gặp, thường kết hợp tổn thương rất nặng khác, cần bất động với băng cố định, kết xương. - Dập phổi, tụ máu phổi: tổn thương thường tiến triển trong 72 giờ đầu, cần liệu pháp ô xy hỗ trợ, kháng sinh, giảm đau. Tránh bù dịch nhiều. - Tràn khí màng phổi: tràn khí màng phổi lượng ít không suy hô hấp: thường tự hồi phục sau vài ngày, tùy theo mức độ có thể chọc hút giải áp. Tràn khí màng phổi có áp lực (tràn khí màng phổi lượng nhiều trên X - quang kèm suy hô hấp nặng) là trường hợp cấp cứu đe dọa tính mạng, cần được loại bỏ khí cấp bằng kim, hay dẫn lưu ngực. Mở ngực khâu chỗ rách khi thất bại với dẫn lưu. - Tràn máu màng phổi: thường do tổn thương thành ngực hay nhu mô phổi, gây chảy máu vào khoang màng phổi, bệnh nhân cần được hồi sức, phẫu thuật lồng ngực cầm máu khi máu lấy ra trên 1- 2 ml/kg/ phút, có huyết động không ổn định. - Chấn thương sức ép phổi thường do tổn thương mạnh, áp lực cao, đột ngột thường gây xuất huyết kết mạc, phù mặt, cần được hỗ trợ ôxy, giảm đau, lí liệu pháp... - Chèn ép màng ngoài tim: thường do máu, dịch thoát vào khoang ngoài màng tim gây tiệu chứng ngay khi lượng dịch đã có (25 ml) bị tăng thêm 5 - 10 ml, gây rối loạn huyết động, bệnh nhân cần được theo dõi sát qua siêu âm, điện tim để dẫn lưu dịch kịp thời. - Dập cơ tim: thường sau tổn thương thành ngực trước, bệnh nhân có nhịp nhanh, loạn cần theo dõi siêu âm, điện tim, Troponin I và hồi sức tích cực. - Tổn thương mạch máu lớn, nguy cơ chảy máu chết rước khi đến viện, cần xác định vị trí tổn thương, can thiệp cầm máu cấp. - Rách cơ hoành do chấn thương: cần hồi sức, mổ chữa kịp thời. - Tràn khí màng phổi hở: do vết thương gây tổn thương thành ngực làm khí tràn vào khoang màng phổi, cản trở hô hấp. Tùy theo mức độ tổn thương có thể đặt dẫn lưu ngực đơn thuần hay mổ ngực kết hợp. - Vết thương khí phế quản: thường gây tràn khí trung thất, màng phổi, cần hồi sức, điều trị triệu chứng, mổ chữa khi tổn thương lớn. - Vết thương tim: cần được theo dõi, đánh giá qua siêu âm tim, can thiệp phẫu thuật cần đặt ra khi huyết động không ổn định. - Tổn thương ống ngực: với sự xuất hiện dưỡng chấp ngực, phần lớn điều trị bảo tồn có đáp ứng.
5.TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
Tùy theo tổn thương.
6.DỰ PHÒNG
Tăng cường giáo dục dự phòng tai nạn, sơ cứu, cấp cứu CTN.
Nguồn tin: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh trẻ em 2018 - Bệnh viện Nhi trung ương
Các phẫu thuật viên nhi khoa có nhiệm vụ khám, phát hiện và điều trị các bệnh lý cần phải phẫu thuật cho đối tượng trẻ em. Website mong muốn cung cấp một phần nhỏ kiến thức vê lĩnh vực ngoại nhi cho bố mẹ và người chăm sóc trẻ, cũng như góp thêm ý kiến cho các nhân viên y tế thuộc chuyên ngành khác....