Bác sĩ bệnh viện Nhihttp://ngoainhi.com/uploads/6604287.png
Thứ sáu - 30/07/2021 12:16
Các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp, bệnh viện Nhi trung ương vừa điều trị phẫu thuật thành công một trường hợp tổn thương thực quản phức tạp do dị vật pin dạng cúc áo bị trẻ nuốt phải.
Ngày 05/07/2021, bệnh viện Nhi TW tiếp nhận bệnh nhân nữ 22 tháng tuổi, vào viện viện vì ho, sốt, khò khè và nuốt khó. Khai thác tiền sử, 1 tuần trước khi vào viện, trẻ xuất hiện ho, khò khè sau khi nuốt dị vật là 1 viên pin dạng cúc áo đường kính 2cm. Gia đình tự theo dõi tại nhà trong 7 ngày, khi các triệu chứng tăng nặng (trẻ sốt cao 38.5- 39độ, thở nhanh, tiếng thở rít, nuốt nghẹn) gia đình đưa trẻ tới Bệnh viện Nhi trung ương. Thời điểm vào viện, trẻ có tình trạng nhiễm trùng (sốt cao 39 độ, môi khô, lưỡi bẩn) và suy hô hấp (thở nhanh nông, rút lõm lồng ngực). Phim xquang và hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực mô tả hình ảnh dị vật cản quang hình tròn nằm tại thực quản đoạn ngực (hình 1).
Bệnh nhân được ổn định huyết động, hỗ trợ hô hấp bằng Oxy Mask, dùng kháng sinh và chỉ định nội soi tiêu hoá kiểm tra và lấy dị vật. Trong quá trình nội soi, dị vật viên pin dạng cúc áo đường kính 2.5cm được tìm thấy tại thực quản ngực cách cung răng 14cm và được gắp bằng dụng cụ nội soi. Sau khi giải quyết dị vật, phát hiện thành thực quản và khí quản bị loét thủng tạo một đường rò kích thước 2cm, bờ viêm nề chảy máu (hình2).
Bệnh nhân được chẩn đoán rò khí thực quản do dị vật tiêu hoá. Trẻ được đặt ống nội khí quản, chuyển đơn vị hồi sức ngoại khoa. Thăm dò qua nội soi hô hấp đánh giá vị trí lỗ rò phía đường thở nằm trên ngã ba phế quản (carina) 1.5cm, đường kính 1cm (hình3).
Phẫu thuật mở ngực được chỉ định. Phẫu thuật khó khăn do tổn thương là hậu quả của quá trình viêm loét, bị xé rộng, chảy máu và mủn nát. Ngoài ra, do vị trí lỗ rò nằm sát trên carina, ảnh hưởng đến thông khí trong mổ. Sau 3 giờ phẫu thuật, chúng tôi đã thực hiện thành công việc cắt đường rò, khâu tạo hình lại thành thực quản và khí quản. Trẻ diễn biến hậu phẫu thuận lợi, rút NKQ 10 ngày sau mổ; hình ảnh nội soi hô hấp và chụp thực quản sau mổ thấy các đường khâu liền tốt. Trẻ không sốt, tự thở, ăn tiêu tốt, ra viện sau 20 ngày phẫu thuật. Phần lớn các dị vật đều đi qua họng vào ống tiêu hóa sau đó được đào thải tự nhiên theo phân và không gây ra vấn đề gì cho trẻ.Khoảng 10-20% dị vật gây nguy hiểm và gây ra các triệu chứng cho con bạn như: nôn, nuốt đau, nuốt khó, không chịu ăn, tăng tiết nước bọt, đau bụng, nôn máu… Các biểu hiện này thường xuất hiện sớm, đôi khi muộn sau vài ngày hoặc thậm chí vài tháng do dị vật có thể gây tắc nghẽn, loét và chảy máu ống tiêu hóa cũng như giải phóng các chất độc gây nguy hại cho sức khỏe.Các dị vật khi bị kẹt tại ống tiêu hóa thường gặp nhất là thực quản chiếm hơn 50% các trường hợp dị vật tiêu hóa, đôi khi dị vật cũng có thể nằm tại dạ dày và ruột với thời gian dài. Pin cúc áo là một loaị pin có hình tròn det giống cúc áo, màu trắng sáng bóng. Pin có kích thước nhỏ gọn nên được sử dụng nhiều trong đồ gia dụng, thiết bị điện tử và đặc biệt là đồ chơi trẻ em... Sự nguy hiểm của pin cúc áo không đến từ những gì có bên trong nó mà nó đến ngay từ những cục pin lành lặn. Ống tiêu hóa của trẻ em nhỏ nên khi nuốt sẽ thường bị mắc lại ở thực quản. Sự tiếp xúc với nước bọt, dịch tiêu hóa sẽ tạo nên dòng điện gây bỏng thực quản, ống tiêu hóa, thậm chí có thể tiếp tục gây đốt cháy mạch máu lớn dẫn tới chảy máu nghiêm trọng. Như trong trường hợp này, thực quản đã bị bỏng ăn mòn, tổn thương sâu lấn sang cả cơ quan lân cận là khí quản, tạo nên đường thông thương khí - thực quản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hô hấp của trẻ. Không chỉ dị vật dạng pin, dị vật tiêu hóa dạng nam châm cũng là dị vật gây nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng đã được các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp, bệnh viện Nhi trung ương khuyến cáo tại đây
Để phòng ngừa việc trẻ có thể nuốt phải các dị vật tiêu hoá, cha mẹ cần:
Cất các đồ vật nhỏ cẩn thẩn ngoài tầm với của con bạn như tiền xu, đồng xèng, cục pin, lego, kim, tăm, gốm thủy tinh dễ vỡ…
Kiểm tra kĩ lưỡng thức ăn để đảm bảo rằng không còn xương trong đồ ăn của trẻ
Căn dặn kĩ lưỡng các việc trên nếu nhờ người khác chăm con bạn
Khi trẻ nuốt phải dị vật, cha mẹ cần kiểm tra xem đó có phải dị vật nguy hiểm hay không:
Dị vật kích thước lớn: đường kính≥ 20mm và/hoặc chiều dài dị vật ≥ 50mm
Dị vật có tính ăn mòn: pin, nam châm, dị vật chứa chì.
Dị vật sắc nhọn có khả năng đâm xuyên (kim loại có ngạnh, kim, thủy tinh…)
Dị vật có tính hút nước mạnh như thuốc chống ẩm.
Khi trẻ nuốt phải các dị vật nguy hiểm, hoặc có các triệu chứng bất thường đã nêu trên, cha mẹ hoặc người giám hộ cần đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương - Đơn vị có khả năng Hồi sức cấp cứu và phẫu thuật Lồng ngực có kinh nghiệm để được thăm khám kịp thời.
Các phẫu thuật viên nhi khoa có nhiệm vụ khám, phát hiện và điều trị các bệnh lý cần phải phẫu thuật cho đối tượng trẻ em. Website mong muốn cung cấp một phần nhỏ kiến thức vê lĩnh vực ngoại nhi cho bố mẹ và người chăm sóc trẻ, cũng như góp thêm ý kiến cho các nhân viên y tế thuộc chuyên ngành khác....