Các bất thường vùng rốn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Thứ hai - 19/06/2023 10:02
Vùng rốn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể gặp phải một số vấn đề như: viêm da vùng rốn, chảy dịch rốn, nhiễm trùng rốn, polype rốn, u hạt rốn, thoát vị rốn, rốn chảy nước vàng, nang niệu rốn, còn tồn tại ống rốn tràng,... Hãy cùng tìm hiểu đặc điểm của từng loại tổn thương và cách điều trị tốt nhất.
polype rốn hay u hạt vùng rốn
polype rốn hay u hạt vùng rốn
Rốn được hình thành do sự biến đổi của thành bụng do quá trình khép lại của các nếp bên và cuộn lại về mặt bụng của đĩa phôi ba lá bắt đầu từ tuần thứ tư của thai kì. Sự tồn tại dai dẳng của các thành phần của rốn như ống rốn – tràng, ống rốn – bàng quang, cũng như các mạch máu đi kèm sẽ gây ra một số các bất thường vùng rốn.

Tiến trình hình thành của các cấu trúc liên quan đến sự phát triển của rốn được trình bày ở bảng 1.

 
Cấu trúc Tiến trình bình thường Tình trạng tồn tại và các bệnh
Ống rốn – bàng quang (nối bàng quang và nang niệu) Bít tắc Dây chằng rốn giữa, tồn tại ống niệu rốn, xoang niệu rốn, nang niệu rốn
Ống rốn – tràng (nối ruột giữa với túi noãn hoàng) Bít tắc Túi thừa Meckel, tồn tại ống rốn tràng, xoang rốn tràng, nang rốn tràng, polype rốn,…
Động mạch ống rốn tràng Hầu hết là thoái hóa, hợp nhất với động mạch thân tạng, động mạch mạc treo tràng trên và động mạch rốn dưới Đi kèm với túi thừa Meckel, dây xơ đến động mạch mạc treo
Tĩnh mạch ống rốn tràng Đám rối bao quanh tá tràng trở thành tĩnh mạch mạc treo tràng trên và tĩnh mạch cửa Tĩnh mạch trước tá tràng nếu phần bụng của đám rối tồn tại
Đông mạch rốn Bít tắc Dây chằng rốn trong hay dây chằng rốn bên
Tĩnh mạch rốn Bên phải bít tắc, bên trái đổ máu về tĩnh mạch chủ dưới thông qua ống tĩnh mạch Dây chằng tròn

Thời gian bình thường để rốn tự rụng sau sinh là từ 3 ngày đến 2 tháng, trung bình 14 -15 ngày. Việc sát khuẩn rốn với các chất kháng khuẩn thông thường có thể làm giảm một cách đáng kể tỉ lệ bệnh tật cũng như tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.

2. Bất thường của rốn

2.1. U hạt rốn

          Sau khi rốn rụng, khối nhỏ mô hạt có thể mọc lên từ đáy rốn, kích thước từ 1 mm đến gần 10mm và thường có cuống. U hạt rốn có thể được điều trị bằng chấm một hoặc vài lần với bạc nitrate cho đến khi vùng đó biểu mô hóa. Trong trường hợp sử dụng bạc nitrate không hiệu quả, cần nghĩ đến một polype rốn thực sự hoặc xoang rốn, lúc này cần phẫu thuật mới có thể xử lý triệt để tổn thương.

2.2. Nhiễm trùng rốn

Hiện nay, những tiến bộ trong chăm sóc chu sinh đã làm giảm đáng kể tỉ lệ viêm nhiễm chân rốn ở trẻ, nhưng nhiễm trùng rốn vẫn tương đối phổ biến. Vi khuẩn chủ yếu gây nhiễm trùng là Staphylococcus aureusStreptococcus pyogenes, và vi khuẩn gram âm. Nhiễm trùng nặng thường là nhiễm nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Nhiễm trùng rốn có thể biểu hiện chảy mủ ở rốn hoặc viêm mô tế bào xung quanh rốn. Nếu nhiễm trùng âm ỉ, mạn tính, sẽ chỉ có biểu hiện rỉ dịch rốn kéo dài, có thể có liên quan đến còn tồn tại động mạch rốn. Trong khi nó, diễn biến nặng lên có thể dẫn đến viêm hoại tử cân cơ vùng rốn, hoại tử thành bụng.
Điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch có hiệu quả trong hầu hết các trường hợp nhiễm trùng rốn. Nếu đã có biến chứng nặng, cần thực hiện phẫu thuật cắt lọc rộng rãi mô hoại tử, bao gồm cả các mạch máu rốn và di tích ống niệu rốn vì đây là nguồn vào cho vi khuẩn lan rộng. Nếu khuyết hổng thành bụng lớn có thể cần để hở, phẫu thuật thì hai hoặc đặt miếng vá nhân tạo.
Yếu tố nguy cơ của nhiễm trùng rốn bao gồm: trẻ sinh tại nhà, trẻ nhẹ cân, phải sử dụng catheter rốn và nhiễm trùng sản khoa.  Khử khuẩn nghiêm ngặt, rửa tay thường xuyên và chăm sóc rốn bằng chất kháng khuẩn tại cỗ có thể làm giảm tỉ lệ nhiễm trùng rốn xuống dưới 1% ở những trẻ sơ sinh nằm viện.

2.3. Tồn tại ống rốn tràng

2.3.1. Đặc điểm, phân loại
Ống rốn tràng là phần ống nối giữa ruột non và túi rốn trong thời kỳ bào thai. Các bệnh lý của ống rốn tràng chiếm tỷ lệ từ 2 - 3% dân số. Biểu hiện bệnh lý của ống rốn tràng đa dạng nhưng đều có một nguồn gốc chung về bào thai học.
Sự tồn tại bất thường của ống rốn tràng có thể xảy ra dưới những hình thái sau (Hình 1):
bat thuong ron tre em
Hình 1. Các hình thái còn tồn tại của ống rốn tràng
A. Nang rốn chứa mô ruột non
B. Xoang rốn với dây xơ
C. Polyp rốn bao phủ bởi chất nhầy ruột
D. Dây xơ chứa nang.
E. Túi thừa Meckel
F. Còn tồn tại ống rốn tràng
2.3.2. Triệu chứng

Triệu chứng lâm sàng tương đối dễ nhận biết qua thăm khám và hỏi bệnh, phụ thuộc vào các hình thái bệnh khác nhau.
Dấu hiệu rốn chảy dịch phân là dấu hiệu thường gặp nhất, biểu hiện có sự thông thương từ đường tiêu hóa ra rốn. Một số triệu chứng khác bao gồm: rỉ dịch vùng rốn, polype rốn, khối áp xe nhiễm trùng rốn tái đi tái lại nhiều lần, lộ niêm mạc ruột vùng rốn tràng qua rốn, rỉ dịch rốn, hoặc biểu hiện như một polype vùng rốn.
Đa số các trường hợp, túi thừa Meckel tồn tại mà không gây biến chứng, tuy nhiên khoảng 30% các trường hợp có các biến chứng. Tỷ lệ các biến chứng: tắc ruột: 35%, chảy máu: 32%, viêm túi thừa có thủng hoặc không: 10%, các biến chứng khác: 1%. Biến chứng chảy máu và tắc ruột hay gặp ở trẻ nhỏ, trong khi đó viêm túi thừa Meckel hay gặp ở trẻ lớn.
Ống rốn tràng có nguy cơ gây biến cứng nặng như tình trạng gập góc, xoắn, hoặc thoát vị qua khe mạc, gây tắc ruột do thắt nghẹt. Chẩn đoán chính xác thường chỉ được xác định trong mổ.
Triệu chứng cận lâm sàng bao gồm siêu âm và chụp đường rò bằng thuốc cản quang, tuy nhiên ít có giá trị trong việc chẩn đoán xác định. Trong những trường hợp nghi ngờ, phẫu thuật thăm dò được đặt ra để khẳng định chẩn đoán.
2.3.3. Điều trị
          Còn ống rốn tràng là tình trạng ngoại khoa nên được điều trị phẫu thuật sớm. Phẫu thuật có thể được thực hiện ngay tại rốn hoặc dưới rốn. Phẫu tích lần theo ống rốn tràng cho đến thành ruột, cắt bỏ dị tật theo hình chêm hoặc theo cả đoạn ruột nếu cần thiết và phục hồi lưu thông tiêu hóa.

2.4. Tồn tại ống niệu rốn

2.4.1. Triệu chứng lâm sàng
Những hình thái tồn tại ống niệu rốn được mô tả theo hình 2
bat thuong ron tre em 2
Hình 2: Những hình thái tồn tại ống niệu rốn
A. Còn ống niệu rốn
B. Xoang niệu rốn
C. Túi thừa bàng quang
D. Nang ống niệu rốn
Triệu chứng điển hình của tồn tại ống niệu rốn là chảy dịch nước từ rốn. Chảy dịch có thể liên tục hoặc chảy nhiều hơn khi trẻ đi tiểu tiện. Xoang niệu rốn có thể dây rỉ dịch rốn hoặc được phát hiện lúc thăm khám. Nang niệu rốn thường biểu hiện tình trạng nhiễm trùng với một khối sưng đau nằm giữa rốn và hạ vị, trên xương mu. Tồn tại ống niệu rốn cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây rốn to khổng lồ ở trẻ sơ sinh.
Tồn tại ống niệu rốn có thể gây ra các triệu chứng muộn ở trẻ lớn như áp xe hoặc ác tính hóa.
2.4.2. Triệu chứng cận lâm sàng
Chẩn đoán hình ảnh bao gồm siêu âm, chụp đường rò, chụp bàng quang, cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ có thể chẩn đoán xác định bệnh lý còn ống rốn tràng.
2.4.3. Điều trị
          Cắt bỏ ống niệu rốn cần được chỉ định trong những trường hợp đã có dấu hiệu trên lâm sàng. Đối với trường hợp nang niệu rốn bội nhiễm, tiến triển thành ổ áp xe, có thể sẽ phải dẫn lưu tạm thời, sau đó phẫu thuật thì 2 lấy bỏ toàn bộ tổn thương.
          Phẫu thuật cắt ống niệu rốn cần xác định tất cả các cấu trúc tổn thương và cắt bỏ hoàn toàn tránh tái phát. Đường mổ xuyên qua rốn hoặc dưới rốn, cũng có thể áp dụng phẫu thuật nội soi ổ bụng. Đối với trường hợp rỉ dịch rốn thường xuyên, cần kiểm tra niệu đạo xem có tổn thương gây tắc nghẽn đường ra của bàng quang hay không.

3. Những dạng bệnh bẩm sinh hoặc mắc phải ở rốn

3.1. Xoang bì trên xương mu

          Thường lan rộng từ da phủ xương mu và băng qua trên bề mặt bàng quang đến rốn dọc theo ống rốn – bàng quang.  Nguồn gốc phôi thai của nó là một xoang ống tồn tại không rõ ràng, tuy nhiên đó có thể là một dạng của niệu đạo đôi mặt lưng.
3.2. Bàng quang lộ ngoài, lộ ổ nhớp
          Có thể có thoát vị cuống rốn hoặc một phần dưới của rốn hòa vào phần trên của bàng quang lúc này đang mở ra bên ngoài, cùng với dãn của hệ thống cơ thành bụng dưới và toác rộng của khớp mu.
3.3. Các thương tổn hiếm gặp khác
          Một vài dạng khối lồi lên ở vùng rốn có thể gặp với tỉ lệ thấp như: mô tụy lạc chỗ, lạc nội mạc tử cung, 1 phần tạng thoát vị còn sót lại như gan, ruột thừa, hoặc khối harmatoma vùng rốn, đường rò giữa rốn, ruột thừa, sẹo lồi vùng rốn, các khối u di căn,… Rốn cũng có thể có những bệnh về da như viêm nang lông hay nhiễm trùng da, viêm da…

4. Thoát vị rốn

Thoát vị rốn ở trẻ em là tình trạng khiếm khuyết của vòng cân xung quanh rốn, phúc mạc lá thành sẽ được da phủ lên sau khi rốn rụng. Vòng cân rốn sẽ tiếp tục đóng lại theo thời gian vì thế tình trạng thoát vị rốn hầu hết sẽ tự khỏi.
Thoát vị rốn cần phân biệt với thoát vị trong dây rốn hay omphalocele - một bất thường thành bụng ở trẻ sơ sinh, khi này vừa có khuyến khuyết cân rốn, vừa khiếm khuyết phúc mạc dẫn đến ruột thoát vị ra ngoài được bọc lại bằng dây rốn.
Thoát vị rốn được phát hiện sau khi rụng rốn ở một vài tuần lễ đầu sau sinh, chủ yếu được ghi nhận trong 6 tháng đầu. Hầu hết sẽ tự đóng khi trẻ được 3 tuổi. Thoát vị rốn thường xảy ra ở trẻ nhẹ cân < 1500g, thoát vị có đường kính vòng cân nhỏ  <1cm sẽ đóng sớm hơn vòng cân lớn > 1,5cm. Đường kính khiếm khuyết là một yếu tố tiên lượng quan trọng, trong khi kích thước, chiều dài của khối thoát vị thì không.
Hiếm khi gặp các biến chứng của thoát vị rốn như thoát vị nghẹt, xoắn hoặc lộ ruột ra ngoài. Thoát vị rốn thông thường được theo dõi ít nhất đến 2 tuổi, nếu không có cải thiện về kích thước thì cân nhắc phẫu thuật sửa chữa. Phẫu thuật có thể được thực hiện trong ngày với tỉ lệ tai biến, biến chứng thấp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thanh Liêm. Các bệnh do tồn tại ống rốn tràng. Phẫu thuật tiêu hóa
trẻ em. Nhà xuất bản Y học, 2002, tr. 134-139

2. Nguyễn Thanh Liêm. Dị dạng do tồn tại ống niệu rốn. Phẫu thuật tiết niệu trẻ em. Nhà xuất bản Y học, 2002, tr. 119 – 122.
3. Trương Nguyễn Uy Linh. Những bất thường ở rốn. Ngoại nhi lâm sàng. Nhà xuất bản Y học, 2018, tr. 189 - 198
3. Robert E. Cilley. Disorders of the Umbilicus. Elsevier publishers. Pediatric Surgery 7 ed. Chapter 74.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bình luận

Ngoại nhi - chuyên ngành phẫu thuật cho trẻ em

Các phẫu thuật viên nhi khoa có nhiệm vụ khám, phát hiện và điều trị các bệnh lý cần phải phẫu thuật cho đối tượng trẻ em. Website mong muốn cung cấp một phần nhỏ kiến thức vê lĩnh vực ngoại nhi cho bố mẹ và người chăm sóc trẻ, cũng như góp thêm ý kiến cho các nhân viên y tế thuộc chuyên ngành...

Thống kê
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay1,192
  • Tháng hiện tại25,966
  • Tổng lượt truy cập2,043,599
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây