Các bệnh do còn tồn tại ống rốn tràng

Thứ tư - 22/11/2023 10:01
Các bất thường bẩm sinh vùng rốn ở trẻ có thể bao gồm các bệnh lý do còn tồn tại ống rốn tràng, trong đó thường gặp nhất là túi thừa Meckel, gặp ở 2% dân số. Hiểu đúng về bệnh có thể có phương pháp điều trị thích hợp.
Còn ống rốn tràng
Còn ống rốn tràng

1. ĐẠI CƯƠNG

Ống rốn tràng là phần ống nối giữa ruột non và túi rốn trong thời kỳ bào thai. Ống rốn tràng được Hildanus báo cáo lần đầu tiên năm 1598. Năm 1809 Johann Meckel lần đầu tiên mô tả giải phẫu và bào thai của túi thừa như là một di tích của ống rốn tràng. Các bệnh lý của ống rốn tràng chiếm tỷ lệ từ 2 - 3% dân số. Biểu hiện bệnh lý của ống rốn tràng đa dạng nhưng đều có một nguồn gốc chung về bào thai học.

2. NGUYÊN NHÂN

- Bào thai học của ống rốn tràng: Trong thời kỳ bào thai, ruột nguyên thủy thông với túi rốn bởi ống rốn tràng. Lúc đầu ống rốn tràng rộng nhưng sau đó kéo dài và thu hẹp dần. Ống rốn tràng thoái triển dần và biến mất hoàn toàn vào khoảng từ tuần thứ 5 - 7 của thời kỳ bào thai. Ngay trước khi ống rốn tràng biến mất, biểu mô của nó có một số cấu trúc giống như cấu trúc của dạ dày khi mới hình thành.
- Sự tồn tại bất thường của ống rốn tràng có thể xảy ra dưới những hình thái sau:
+ Tồn tại toàn bộ ống rốn tràng, lòng ống thông thương hoàn toàn.
+ Ống rốn tràng tồn tại một phần: Túi thừa Meckel: ống rốn tràng phía ruột non còn tồn tại. Túi thừa Meckel có thể tự do hoặc dính với rốn bởi một dây xơ. Khe rốn. Nang rốn. Polyp rốn.

3. CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

3.1. Túi thừa Meckel

- Túi thừa Meckel xuất hiện với tỷ lệ khoảng 2% dân số. Đa số các trường hợp, túi thừa Meckel tồn tại mà không gây biến chứng, tuy nhiên khoảng 30% các trường hợp có các biến chứng. Tỷ lệ các biến chứng: tắc ruột: 35%, chảy máu: 32%, viêm túi thừa có thủng hoặc không: 10%, các biến chứng khác: 1%. Biến chứng chảy máu và tắc ruột hay gặp ở trẻ nhỏ, trong khi đó viêm túi thừa Meckel hay gặp ở trẻ lớn.
- Triệu chứng: Triệu chứng chủ yếu là chảy máu đường tiêu hóa thấp. Chảy máu nói chung không kèm theo đau bụng, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Chảy máu có thể nhẹ, trung bình hoặc thậm chí nặng đến mức gây sốc mất máu. Các đợt chảy máu thường tái phát nhưng không có các dấu hiệu báo trước. Màu sắc của máu được tống ra khỏi hậu môn khác nhau. Các trường hợp chảy máu ồ ạt, máu được tống ra là máu đỏ tươi nhưng nếu máu chảy ít, máu được tống ra là màu đen.
- Chẩn đoán: Chẩn đoán trước hết phải được hướng tới bằng lâm sàng trước một chảy máu đường tiêu hóa thấp. Cần phải loại trừ các nguyên nhân chảy máu đường tiêu hóa khác như polyp trực tràng, đại tràng bằng thăm trực tràng hoặc/và soi trực tràng, đại tràng. Phương pháp chẩn đoán đặc hiệu là chụp túi thừa bằng chất đồng vị phóng xạ.
- Điều trị: Chảy máu do túi thừa Meckel phải được điều trị bằng phẫu thuật. Gây mê nội khí quản. Mở bụng đường giữa trên rốn. Kiểm tra và đưa đoạn ruột có túi thừa Meckel ra ngoài ổ bụng. Nếu túi thừa có chân hẹp, có thể cắt bỏ theo kiểu hình chêm và sau đó khâu lại ruột. Nếu túi thừa có chân rộng, có thể cắt đoạn ruột hạn chế cùng với túi thừa Meckel và sau đó nối tận - tận.
- Tiến triển và biến chứng:
+ Tắc ruột do túi thừa Meckel: Túi thừa Meckel gây tắc ruột do lồng ruột. Bệnh thường biểu hiện ở trẻ lớn và gây lồng ruột tái phát. Gây xoắn ruột. Túi thừa Meckel có thể để lại di tích như một dây chằng dính từ hồi tràng đến thành bụng. Chính dây chằng này có thể gây xoắn ruột hoặc thắt nghẹt ruột. Nguyên nhân tắc ruột do túi thừa Meckel chỉ chẩn đoán được trong khi mổ. Nguyên tắc điều trị về cơ bản giống như các trường hợp tắc ruột nói chung. Trong lồng ruột nên cắt túi thừa sau khi tháo lồng hoặc phải cắt đoạn ruột cùng với túi thừa Meckel nếu không tháo được.
+ Viêm túi thừa Meckel: Túi thừa Meckel có thể bị viêm nung mủ, abces, hoại tử và thủng. Về lâm sàng rất khó phân biệt được viêm túi thừa Meckel với viêm ruột thừa. Trong giai đoạn đầu đau thường xuyên xuất hiện quanh rốn, vị trí phản ứng thành bụng khác nhau tùy theo định vị của túi thừa Meckel. Điều trị bao gồm cắt bỏ túi thừa và nối lại ruột ngay. Dẫn lưu hai đầu ruột chỉ định cho những trường hợp túi thừa bị thủng, bệnh nhân đến muộn, tình trạng viêm phúc mạc nặng nề.

3.2.Các bệnh lí khác của ống rốn tràng

- Khe rốn: là một lỗ rò tịt do còn tồn tại ống rốn tràng ở phía rốn, lỗ rò mở thông ra ngoài thành bụng. Cần chụp lỗ rò bằng thuốc cản quang để loại trừ thông thương với phần còn lại của ống rốn tràng. Điều trị phẫu thuật bằng cách kéo lộn rốn ra ngoài và cắt bỏ hết niêm mạc lợp xung quanh khe hở.
- Nang rốn: là một phần ống rốn tràng còn tồn tại ở phía rốn giãn thành nang, tịt ở hai đầu. Nang có thể dính với thành bụng và phát triển qua rốn hoặc nằm ở đoạn giữa của ống rốn tràng. Điều trị bằng phẫu thuật cắt nang, vào ổ bụng bằng đường quanh rốn.
- Còn ống rốn tràng hoàn toàn hay rò ruột non rốn. Khi ống rốn tràng tồn tại hoàn toàn sẽ tạo nên một sự thông thương giữa rốn và ruột. Chẩn đoán xác định bằng lâm sàng khi thấy có dịch ruột chảy qua rốn và nhìn thấy được niêm mạc của ruột ở quanh rốn. Điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ ống rốn tràng và nối lại ruột tận - tận
 

Nguồn tin: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh trẻ em 2018 - Bệnh viện Nhi trung ương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bình luận

Ngoại nhi - chuyên ngành phẫu thuật cho trẻ em

Các phẫu thuật viên nhi khoa có nhiệm vụ khám, phát hiện và điều trị các bệnh lý cần phải phẫu thuật cho đối tượng trẻ em. Website mong muốn cung cấp một phần nhỏ kiến thức vê lĩnh vực ngoại nhi cho bố mẹ và người chăm sóc trẻ, cũng như góp thêm ý kiến cho các nhân viên y tế thuộc chuyên ngành...

Thống kê
  • Đang truy cập5
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm3
  • Hôm nay1,248
  • Tháng hiện tại26,022
  • Tổng lượt truy cập2,043,655
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây