Chăm sóc bao quy đầu như thế nào

Thứ bảy - 10/07/2021 09:13

Chăm sóc bao quy đầu như thế nào

Con mình có bị hẹp bao quy đầu hay không, có cần đến bệnh viện nong, tách bao quy đầu hay không? Chắc hẳn đó là câu hỏi của rất nhiều bố mẹ. Hãy cùng tìm hiểu thêm về bao quy đầu để có cách chăm sóc sức khỏe bao quy đầu đúng đắn.
Bao quy đầu là tổ chức da bao chùm và có tác dụng bảo vệ cho quy đầu dương vật, cũng như lỗ niệu đạo.
Bao quy đầu được hình thành như một nếp gấp niêm mạc từ phía nền của quy đầu bắt đầu từ tuần thứ 9 của thai kì, quá trình này kết thúc và tháng thứ 4 đến thứ 5. Lớp niêm mạc lót mặt trong của bao quy đầu liên tiếp và tiếp xúc kiểu gấp tay áo với da của quy đầu, chính vì vậy chúng dễ dàng dính với nhau.
bao quy đầu
Giải phẫu quy đầu

Lớp dính này bắt đầu tách nhau ra vào giai đoạn cuối của thai kì, nhưng vẫn còn dính không hoàn toàn ở hầu hết trẻ sơ sinh. Ngay khi ra đời, chỉ có khoảng 4% trẻ trai tách dính hoàn toàn, trong số còn lại, quá nửa vẫn còn dính chặt đến mức không thể quan sát thấy lỗ niệu đạo, điều này hoàn toàn bình thường.
Sự phát triển của bao quy đầu

Trong quá trình lớn lên, dương vật phát triển, sự cương cứng sinh lý làm đẩy nhanh quá trình tách dính, sự hình thành chất smegma (tổ chức màu trắng có thể đóng thành cục, bản chất là chất sừng - keratinized pearl) giữa 2 lớp da dính vào nhau góp phần đáng kể cho sự tách dính của bao quy đầu.
ngoainhi.com
Chất cặn trắng bao quy đầu


Hẹp bao quy đầu: Hẹp bao quy đầu được định nghĩa như là tình trạng không thể mở rộng được bao quy đầu, tách rời hoàn toàn khỏi quy đầu. Tuổi càng lớn thì khả năng tách mở rộng bao quy đầu càng tăng lên, tỉ lệ hẹp bao quy đầu càng giảm xuống.
Năm 1996, một số tác giả Nhật Bản đã đưa ra phân loại  gồm 5 dạng bao quy đầu ở trẻ trai, và tỉ lệ trong số 603 trẻ nam như sau:
Phân loại bao quy đầu theo Kayaba (1996)
Loại 1: Hoàn toàn không mở được bao quy đầu
Loại 2: Bao quy đầu mở đủ quan sát thấy lỗ niệu đạo
Loại 3: Quy đầu lộ ra được 1 nửa đến rãnh quy đầu.
Loại 4: quy đầu được lộ ra cho đến chỗ dính của bao quy đầu
Loại 5: Dễ dàng bộc lộ rõ toàn bộ quy đầu cho đến rãnh.

Trong một nghiên cứu trên 2149 học sinh nam ở Đài Loan, tình trạng bao quy đầu được khảo sát như sau.
 
Tuổi/ loại BQĐ Lớp 1 (6 tuổi) Lớp 4 (10 tuổi) Lớp 7 (13 tuổi)
Đã cắt bao quy đầu 3% 4% 5%
Không mở được bao quy đầu (loại 1) 17% 10% 1%
Chỉ quan sát thấy lỗ tiểu (loại 2) 33% 25% 7%
Mở rộng một phần (loại 3, 4) 40% 41% 29%
Mở rộng hoàn toàn (loại 5) 8% 21% 58%

Rõ ràng là tiến triển tự nhiên của bao quy đầu là mở rộng dần theo tuổi, không cần can thiệp quá nhiều vào diễn tiến tự nhiên này.

CÓ NHỮNG LOẠI HẸP BAO QUY ĐẦU NÀO?


 Hẹp bao quy đầu được chia thành 2 nhóm là: hẹp bao quy đầu sinh lý và hẹp bao quy đầu bệnh lý.
- Hẹp BQĐ sinh lý: gặp ở hầu hết trẻ sơ sinh, do sự dính tự nhiên của bao quy đầu vào quy đầu, kéo bao quy đầu xuống thấy một vòng da mềm mại
ngoainhi.com
Hẹp (dính) bao quy đầu sinh lý

- Hẹp BQD bệnh lý: bao quy đầu thực sự không thể kéo xuống mở rộng ra được, do một vòng xơ hẹp, thường xuất hiện sau những đợt viêm nhiễm trùng của bao quy đầu.
ngoainhi.com
Hẹp bao quy đầu bệnh lý cần can thiệp


Việc phân biệt 2 loại hẹp bao quy đầu này rất quan trọng, dẫn đến các phương pháp xử lý khác nhau. Nếu như hẹp bao quy đầu sinh lý chỉ cần theo dõi và chăm sóc vệ sinh thông thường, thì hẹp BQĐ bệnh lý cần phải đến khám tại phòng khám chuyên khoa Ngoại nhi để bác sĩ tư vấn trực tiếp. Có thể nói, theo thống kê, xác suất một bao quy đầu hẹp bệnh lý cần can thiệp phẫu thuật là rất thấp.

CHĂM SÓC VỆ SINH BAO QUY ĐẦU HÀNG NGÀY NHƯ THẾ NÀO?
Việc tư vấn các chăm sóc bao quy đầu hàng ngày cho bố mẹ, người chăm sóc trẻ là rất quan trọng. Bố mẹ hiểu rõ về sinh lý, sự phát triển của bao quy đầu cũng sẽ giảm bớt sự lo lắng, giảm thời gian phải đến bác sĩ chuyên khoa Ngoại nhi để thăm khám, và rõ ràng, giảm nguy cơ cho trẻ rơi vào tình trạng hẹp bao quy đầu bệnh lý cần phải can thiệp phẫu thuật.
Các chuyên gia đã chỉ ra một số thói quen hàng ngày bố mẹ cần thực hiện để có một bao quy đầu khỏe mạnh cho bé như sau:
- Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, không cần quá quan tâm đến bao quy đầu của trẻ. Trẻ cần được vệ sinh tắm rửa sạch sẽ toàn bộ cơ thể, bằng các loại dung dịch phù hợp với lứa tuổi.
- Thay bỉm thường xuyên tránh hăm và tổn thương kích ứng vùng da nhạy cảm.
- Tránh lộn mạnh hoặc kéo mạnh bao quy đầu xuống, có thể gây rách da chảy máu, gây tổn thương xơ hóa dẫn đến hẹp bao quy đầu thực thụ. Có thể nhẹ nhàng kéo bao quy đầu xuống mỗi khi thay bỉm, hoặc khi tắm, nhằm mục đích kéo dãn một phần, đẩy nhanh quá trình  tự tách dính sinh lý.
r282ke
Tự kéo bao quy đầu và vệ sinh hàng ngày



- Khi trẻ dần dần lớn lên, kéo mạnh hơn một chút, vệ sinh vùng quy đầu đã được lộ ra bằng nước thông thường trong lúc tắm. Chú ý không nên lộn quá mạnh, nếu quá tay, cần lộn ngược trở lại ngay, tránh trường hợp vòng thắt hẹp trượt xuống dưới quy đầu bị kẹt lại, không lộn trở lại được, để lâu dẫn đến tình trạng thắt nghẹt bao quy đầu hay còn gọi là paraphimosis.
ngoainhi.com
Thắt nghẹt bao quy đầu (para-phimosis)

- Trẻ càng lớn, càng phải dạy trẻ về sự cần thiết phải kéo bao quy đầu, rửa bằng nước khi tắm như là một bước của vệ sinh cá nhân hàng ngày.

Đối với các nhân viên y tế, khi thăm khám các trẻ trai nói chung, ngoài tư vấn như trên, cần đánh giá tình trạng dòng nước tiểu bằng một số câu hỏi như:
- Tiểu có mạnh không?
- Tia nước tiển có thẳng không? Nếu câu trả lời là “không”, cần chú ý đến các tia hoặc nhỏ nước bất thường.
- Da bao quy đầu có phồng lên khi đi tiểu không?
- Trẻ cảm thấy dễ chịu hay khó chịu khi tiểu tiện?
Nếu thấy có vấn đề bất thường, cần kiểm tra kĩ càng về tình trạng trẻ, đôi khi, dòng nước tiểu bất thường có nguyên nhân bắt nguồn từ tình trạng bệnh lý của bao quy đầu.

Xem thêm : Hẹp bao quy đầu ở trẻ em

Tác giả bài viết: BS. Trần Đức Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bình luận

Ngoại nhi - chuyên ngành phẫu thuật cho trẻ em

Các phẫu thuật viên nhi khoa có nhiệm vụ khám, phát hiện và điều trị các bệnh lý cần phải phẫu thuật cho đối tượng trẻ em. Website mong muốn cung cấp một phần nhỏ kiến thức vê lĩnh vực ngoại nhi cho bố mẹ và người chăm sóc trẻ, cũng như góp thêm ý kiến cho các nhân viên y tế thuộc chuyên ngành...

Thống kê
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay382
  • Tháng hiện tại17,126
  • Tổng lượt truy cập2,034,759
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây