Bác sĩ bệnh viện Nhihttp://ngoainhi.com/uploads/6604287.png
Thứ bảy - 31/07/2021 11:02
Thoát vị bẹn là bệnh lý bẩm sinh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do sự xuất hiện bất thường của một ống thông từ ổ bụng xuống bìu hoặc môi lớn ở trẻ nữ, làm cho ruột, buồng trứng (trẻ nữ) chạy xuống, tạo thành khối phồng.
Thoát vị bẹn là gì
Thoát vị bẹn ở trẻ là bệnh lý bẩm sinh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do sự xuất hiện bất thường của một ống thông từ ổ bụng xuống bìu hoặc môi lớn ở trẻ nữ, làm cho ruột, buồng trứng (trẻ nữ) chạy xuống, tạo thành khối phồng. Khoảng 60% thoát vị bẹn nằm ở bên phải, 25% bên trái và tỷ lệ gặp ở cả hai bên là 15%.
Biểu hiện của thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn ở trẻ em thường được phát hiện bởi cha mẹ khi tắm cho trẻ hoặc bởi bác sĩ nhi khoa khi thăm khám. Biểu hiện là khối vùng bìu hoặc môi lớn, khối tăng lên khi trẻ quấy khóc, ho, rặn hoặc chạy nhảy. Khi trẻ nằm nghỉ ngơi, khối thoát vị có thể quay lại ổ bụng. Khi nắn vào khối thấy mềm, không đau và có thể đấy khối thoát vị di chuyển lên ổ bụng.
Các biến chứng của thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn nếu không được điều trị có thể gây ra thoát vị bẹn nghẹt, là tình trạng ruột hay các cơ quan khác trong ổ bụng bị kẹt ở cổ bao thoát vị và không đi lên ổ bụng lại được. Trẻ quấy khóc, bỏ bú, nôn, chướng bụng, khối thoát vị nắn chắc, đau và không đẩy lên được Nếu không được phẫu thuật kịp thời có thể dẫn đến thiếu máu, hoại tử tạng thoát vị hoặc chèn ép gây tổn thương tinh hoàn ở trẻ nam.
Các phương pháp điều trị thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn là bệnh lý bẩm sinh, không tự khỏi. Khi bị thoát vị bẹn trẻ cần được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Mổ mở đường bẹn
Phẫu thuật viên sẽ rạch một đường nhỏ 2cm tại nếp lằn bẹn, sau đó phẫu tích, bộc lộ và khâu đóng lại ống phúc tinh mạc. Nhược điểm của phương pháp này là không quan sát được bên đối diện và để lại sẹo mổ.
Phẫu thuật nội soi
Trong những năm gần đây, phẫu thuật nội soi là phương pháp mới điều trị thoát vị bẹn đang được áp dụng rộng rãi và cho kết quả điều trị tốt. Ưu điểm của phương pháp này là có thể quan sát được bên đối diện và gần như không để lại sẹo mổ. Theo PGS.TS Phạm Duy Hiền Trưởng khoa Ngoại, phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương: “Mổ thoát vị bẹn bằng kim đã ra đời từ vài năm nay, tuy nhiên kim Endo của Giáo sư Nhật Bản Endo Masao có những ưu thế tuyệt vời. Một trong những ưu điểm đáng kể nhất của phương pháp phẫu thuật này là rất an toàn, ít gây sang chấn mạch máu và ống dẫn tinh (ở trẻ nam), ít ảnh hưởng hơn tới chức năng sinh sản sau này của trẻ. Trong khi đó, khi mổ mở, bác sĩ thường phải bóc tách phẫu tích nhiều vào ống bẹn, dễ gây tổn thương. Bên cạnh đó, so với đường rạch dài tầm 2cm của phẫu thuật mổ mở, phẫu thuật nội soi có tính thẩm mỹ cao với đường rạch chỉ 2mm, sau mổ hầu như không nhìn thấy sẹo”. Tại khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi năm tiếp nhận và điều trị cho khoảng 5000 trẻ mắc bệnh lý này. Khi nghi ngờ trẻ có biểu hiện của thoát vị bẹn cha mẹ có thể đưa trẻ tới khám tại khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Nhi Trung ương hoặc qua facebook để được tư vấn.
Các phẫu thuật viên nhi khoa có nhiệm vụ khám, phát hiện và điều trị các bệnh lý cần phải phẫu thuật cho đối tượng trẻ em. Website mong muốn cung cấp một phần nhỏ kiến thức vê lĩnh vực ngoại nhi cho bố mẹ và người chăm sóc trẻ, cũng như góp thêm ý kiến cho các nhân viên y tế thuộc chuyên ngành khác....