Táo bón ở trẻ em

Thứ ba - 05/02/2019 21:20
Táo bón là hiện tượng rất phổ biến ở trẻ nhỏ, gây nên sự lo lắng không nhỏ cho các ông bố bà mẹ. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, táo bón có thể phòng ngừa bằng cách thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt của trẻ.
Táo bón ở trẻ em
Táo bón là gì?
Trẻ chỉ được coi là bị táo bón khi đi ngoài ít hơn 3 lần một tuần hoặc gặp khó khăn khi đi ngoài mà phân rắn, khô, to bất thường hoặc đi thành nhiều cục cứng nhỏ.

Nguyên nhân táo bón:
Táo bón thường bắt nguồn từ một chế độ ăn không đủ nước và chất xơ, đây là những chất cần thiết giúp cho nhu động ruột được dễ dàng. Chính vì thế, những trẻ ăn nhiều đồ ăn sẵn, pho mát, bánh mì, thịt thường dễ bị táo bón hơn. Trong khi đó, chế độ ăn giàu hoa quả, rau củ, và ngũ cốc thô giúp cho phân khỏi bị cứng và khô. Một số loại thuốc như thuốc chống suy nhược, thuốc bổ sung sắt cũng gây ra tình trạng táo bón.
Ở trẻ bú mẹ, táo bón gặp khi chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức, hoặc từ thức ăn dặm sang thức ăn rắn. Trẻ lớn hơn, việc thay đổi thói quen đại tiện sang việc ngồi bô hoặc bồn cầu, nhất là khi chúng chưa sẵn sàng với việc này gây ra tình trạng tương tự.
Một số trẻ em không chịu ngồi bô hoặc bồn cầu, ngay cả khi chúng buồn đi đại tiện bởi vì khi đó chúng sẽ phải dừng trò chơi yêu thích lại hoặc đơn giản là chúng ngại phải gọi bố mẹ cho đi ra nhà vệ sinh. Càng nhịn như vậy, càng làm cho những cơn buồn đi vệ sinh lần sau trở nên khó khăn hơn.
Stress cũng gây ra táo bón. Thật sự như vậy. trẻ em có thể bị táo bón khi chúng đang lo lắng về một việc gì đó như là ngày đầu tiên đi học hoặc là đang có lỗi gì với bố mẹ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tâm trạng lo lắng có thể gây ra rối loạn nhu động ruột, từ đó gây ra táo bón và kể cả tiêu chảy.
Tình trạng táo bón còn có nguyên nhân từ hội chứng ruột kích thích (irritable bowel syndrome - IBS). Hội chứng này xảy ra khi trẻ bị stress hoặc ăn những thức ăn dễ gây kích thích như  nhiều dầu, mỡ và gia vị. Trẻ mắc hội chứng ruột kích thích vừa có thể táo bón, vừa có thể tiêu chảy, kèm theo đau và chướng bụng.
Chỉ trong một số ít trường hợp, chứng táo bón là dấu hiệu của một bệnh lý thực sự. Cần phải đưa trẻ đi khám bác sĩ khi tình trạng này kéo dài từ 2-3 tuần mà các biện pháp điều trị thông thường không cải thiện.
download
Tập cho trẻ thói quen đi đại tiện đúng giờ là một trong những
iện pháp hữu hiệu phòng ngừa táo bón
 
Dấu hiệu của táo bón
Bố mẹ luôn luôn phải nhớ rằng, mỗi một đứa trẻ có thói quen đại tiện khác nhau. Không phải cứ không đại tiện hàng ngày là nghĩ ngay đến táo bón. Một đứa trẻ có thể đi ngoài 3 lần một ngày, trong khi đứa trẻ khác chỉ đi 1 lần trong 3 ngày.
Thông thường, trẻ bị coi là mắc chứng táo bón khi:
  • Đi đại tiện ít hơn bình thường
  • Cảm thấy khó chịu hoặc đau khi đi đại tiện
  • Đầy hoặc chướng bụng
  • Khó rặn
  • Dính một ít máu trên giấy vệ sinh
  • Có thể dính một ít phân ở quần lót
Đối mặt với tình trạng táo bón
Để phòng tránh và điều trị táo bón, cần tuân thủ các biện pháp sau:
  • Cho trẻ uống nhiều nước.Uống đủ nước giúp cho phân có thể di chuyển dễ dàng trong lòng ruột. Lượng nước uống hàng ngày tùy thuộc vào cân nặng và tuổi của trẻ, tuy nhiên hầu hết trẻ trong tuổi đến trường cần uống 3-4 cốc nước 1 ngày. Ở trẻ bú mẹ, táo bón xảy ra khi thay đổi từ sữa mẹ sang sữa công thức, có thể cho trẻ uống thêm nước hoa quả, không cần nhiều nhưng cũng đủ có kết quả. Nếu tình trạng táo bón kéo dài, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, nó có thể có nguyên nhân bệnh lý, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ.
  • Ăn nhiều chất xơ. Thực phẩm giàu chất xơ như hoa quả, rau, ngũ cốc thô (gạo lức, nếp lức, bắp, mè, các loại đậu, những loại hạt có chất béo) có thể ngăn ngừa táo bón. Hệ tiêu hóa không tiêu hóa được chất xơ, vì thế những chất này có thể di chuyển suốt chiều dài hệ tiêu hóa và kéo theo các chất bã khác, tạo nhu động ruột. Trong khi đó, chế độ ăn nhiều chất béo, đường, tinh bột làm chậm nhu động ruột. Khi bổ sung chất xơ cho trẻ, cần phải từ từ tăng dần trong một vài tuần và bao giờ cũng phải kết hợp với uống nhiều nước.
  • Tăng cường hoạt động thể chất. Các bài tập thể dục, hoạt động thể thao không chỉ tăng cường cho hệ cơ xương khớp mà tạo động lực, thúc đẩy các hoạt động của ruột, vì thế, cần động viên trẻ tham gia càng nhiều hoạt động thể chất càng tốt. Chỉ cần các hoạt động đơn giản như chạy nhảy, đạp xe là đã có hiệu quả.
  • Xây dựng thời gian bữa ăn hợp lý. Ăn uống gây ra kích thích tự nhiên hệ tiêu hóa, vì thê nên các bữa ăn được sắp xếp hợp lý sẽ làm cho hoạt động của ruột thành một phản xạ thường quy, từ đó làm giảm táo bón. Một bữa ăn sáng sớm, đủ chất sẽ tạo cho trẻ có thời gian nghỉ ngơi và đi vệ sinh trước khi đi học.
  • Tạo thói quen đi đại tiện cho trẻ. Nếu trẻ mái chơi nhịn đi đại tiện, cần bắt trẻ ngồi bô ít nhất 10 phút mỗi ngày vào cùng một thời điểm (lí tưởng là sau khi ăn).
  • Những thay đổi nhỏ như trên có thể cải thiện tình trạng táo bón cho hầu hết các trường hợp. Nếu tình trạng không cải thiện trong vòng 2-3 tuần, hãy đến phòng khám chuyên khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viên Nhi trung ương để khám và nhận được sự tư vấn của bác sĩ.
     

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bình luận

Ngoại nhi - chuyên ngành phẫu thuật cho trẻ em

Các phẫu thuật viên nhi khoa có nhiệm vụ khám, phát hiện và điều trị các bệnh lý cần phải phẫu thuật cho đối tượng trẻ em. Website mong muốn cung cấp một phần nhỏ kiến thức vê lĩnh vực ngoại nhi cho bố mẹ và người chăm sóc trẻ, cũng như góp thêm ý kiến cho các nhân viên y tế thuộc chuyên ngành...

Thống kê
  • Đang truy cập2
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm1
  • Hôm nay432
  • Tháng hiện tại18,764
  • Tổng lượt truy cập2,036,397
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây