Lồng ruột trẻ em có biểu hiện như thế nào

Thứ bảy - 02/02/2019 10:53
Lồng ruột là trạng thái bệnh lý trong đó khúc ruột trên chui vào trong lòng khúc ruột dưới gây tình trạng tắc nghẽn cơ học của đường tiêu hóa.
Lồng ruột trẻ em có biểu hiện như thế nào

Lồng ruột là gì?

Lồng ruột là một cấp cứu ngoại nhi thường gặp và là nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ nhỏ. Lồng ruột ở trẻ bú mẹ hầu hết là cấp tính, diễn biến hoại tử ruột nhanh. Lồng ruột ở trẻ lớn phần nhiều ở thể bán cấp và mạn tính.

Đặc điểm lồng ruột ở trẻ em

Lồng ruột có thể gặp ở bất kì lứa tuổi nào, thường gặp ở trẻ dưới 24 tháng tuổi với tỉ lệ 80 – 90%, trong đó chủ yếu là từ 4 đến 9 tháng (75%). Rất hiếm gặp ở tuổi sơ sinh.
Trẻ năm gặp nhiều hơn trẻ nữ, tỉ lệ nam/nữ là 2 – 3/1. Thường gặp ở trẻ bú mẹ, khỏe mạnh, bụ bẫm, ít gặp ở trẻ suy dinh dưỡng.
Thời tiết: Bệnh có thể gặp quanh năm nhưng tỉ lệ cao hay gặp ở mùa đông xuân là mùa mà trẻ dễ nhiễm virus, ỉa chảy và viêm nhiễm đường hô hấp.

Nguyên nhân và cơ chế gây lồng ruột ở trẻ em

Ở trẻ lớn, nguyên nhân thường do cơ học: túi thường Meckel, polype trong lòng ruột, các loại u ác tính, u máu trong lòng ruột, ruột đôi, nhân tụy lạc chỗ. Một trong các tình trạng bệnh lý có thể gặp là u lympho biểu hiện ở thành ruột.
Lồng ruột ở trẻ nhỏ thường là lồng ruột tự phát, chưa rõ nguyên nhân, chiếm tỉ lệ từ 75 – 90%. Một số giả thuyết đưa ra đó là:
  • Nguyên nhân thần kinh thể dịch: ở trẻ bú mẹ, do hoạt động trội lên của dây thần kinh X (dây thần kinh số mười) gây tăng nhu động ruột, dẫn tới lồng ruột.
  • Do virus, vi khuẩn: khi cơ thể bị lây nhiễm, các hạch viêm phát triển, manh tràng bị phù nề, tăng nhu động ruột dễ dẫn tới lồng ruột.
  • Yếu tố giải phẫu: Ở trẻ dưới 4 tháng tuổi, kích thước hồi tràng và manh tràng chênh nhau không đáng kể, từ tháng thứ 4 đến tháng 12, manh tràng phát triển nhanh hơn hồi tràng và có sự khác nhau về nhu động, tạo điều kiện thuận lợi cho loại lồng ruột hay gặp là lồng hồi manh tràng.

Có những loại lồng ruột như thế nào?

  • Theo giải phẫu: Lồng ruột non, lồng đại tràng, lồng hồi – manh tràng
  • Theo cách lồng:
    • Đầu cố định, cổ di động: điển hình là lồng hồi đại tràng: đầu khối lồng là ban Bauhin có thể kéo dài tới đại tràng xuống.
    • Cổ cố định, đầu di động: lồng hồi manh tràng, cố khối lồng là van Bauhin, ruột thừa vẫn ở bên ngoài, hồi tràng lộn qua van Bauhin vào trong đại tràng, thường khối lồng rất chặt.
long ruot tre em 5
Vị trí lồng ruột

Hậu quả:

Lồng ruột gây nên các thương tổn tùy theo tính chất và thời gian kể từ khi xuất hiện
  • Tắc nghẽn đường tiêu hóa: gây nên các triệu chứng đau bụng cơn, nôn, trướng bụng, bí trung đại tiện
  • Ứ trệ tuần hoàn đến và đi nuôi dưỡng đoạn ruột bị lồng: gây tình trạng ứ máu, chảy máu vào lòng ruột, gây hiện tượng ỉa phân nhày máu
  • Thời gian kéo dài gây hoại tử đoạn ruột lồng.

Triệu chứng

Ở trẻ nhỏ: biểu hiện lồng ruột cấp tính
  • Đau bụng cơn: đột ngột, dữ dội, ưỡn người khóc thét từng cơn, thời gian giữa các cơn đau kéo dài từ 15 – 30 phút, các cơn mau dần.
  • Nôn: xuất hiện cùng với các cơn đau, nôn ra sữa hoặc thức ăn mới. Nếu nôn ra dịch vàng có nghĩa là thời gian khởi phát đã từ lâu.
  • ỉa ra máu: số lượng ít, khoảng 10h sau triệu chứng đau bụng đầu tiên. Dấu hiệu ỉa máu sớm thường gặp ở trẻ nhỏ. Nếu ỉa máu sớm dưới 5h và ra máu nhiều thì khối lồng thường chặt, tiên lượng nặng.
  • Khám bụng: thường khó thăm khám do trẻ đau, khó sờ thấy khối lồng. Để tìm được khối lồng phải khám nhẹ nhàng khi bệnh nhân nằm yên và ngoài cơn đau. Nếu bụng chướng, ấn đau là lồng ruột muộn đã có biến chứng.
  • Thăm trực tràng: có thể có máu theo tay, bóng trực tràng rỗng, có thể sờ thấy đầu khối lồng
  • Dấu hiệu toàn thân: trường hợp bệnh nhân đến muộn có dấu hiệu rối loạn nước điện giải, hoặc trong tình trạng sốc.
Ở trẻ lớn: biểu hiện lồng ruột bán cấp hoặc mạn tính
  • Đau bụng: thường là triệu chứng chính đến khám, đau kéo dài từng đợt, các cơn đau thưa ít, vài cơn đau mỗi ngày, vẫn trung tiện hoặc đại tiện được. Có thể một vài đợt trong một khoảng thời gian dài.
  • Nôn hoặc buồn nôn: xuất hiện cùng với cơn đau.
  • ỉa máu: thường ít gặp ở trẻ lớn
  • Khối lồng: khả năng sờ thấy cao hơn ở trẻ nhỏ
  • Toàn trạng: mệt mỏi, kém ăn, có thể gầy sút.

Triệu chứng trên siêu âm, chụp Xquang của lồng ruột

Siêu âm là phương pháp có giá trị chẩn đoán cao trong bệnh lồng ruột. Trên siêu âm, có thể dễ nhận ra hình ảnh khối lồng với các dấu hiệu đặc trưng như hình bia bắn (cắt ngang) hoặc hình bánh sandwich (cắt dọc khối lồng).
Siêu âm còn có thể tìm được nguyên nhân gây lồng ruột như bệnh lý hạch trong khối lồng, khối u trong ổ bụng, túi thừa meckel hay polype trong lòng ruột.
long ruot tre em 4
Hình ảnh sandwich và bia bắn trong lồng ruột

Các yếu tố khác siêu âm có thể đánh giá để tiên lượng tình trạng nặng hay nhẹ của lồng ruột: Đường kính khối lồng: nếu lớn thể hiện khối lồng chặt, phù nề nhiều. Chiều dày thành ruột lồng: càng dày nghĩa là thời gian lồng đã lâu. Dịch trong khối lồng và dịch tự do ổ bụng là dấu hiệu cho thấy khối lồng đã lâu, chặt, phù nề, khó tháo.
Các phương pháp khác có thể chẩn đoán lồng ruột đó là: X quang bụng không chuẩn bị, chụp đại tràng cản quang, nội soi đại tràng ống mềm.
long ruot tre em 6
Hình ảnh lồng ruột trên phim chụp đại tràng

Tiếp theo: Điều trị lồng ruột
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh trẻ em 2018 - Lồng ruột

Tác giả bài viết: BS. Trần Đức Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bình luận

Ngoại nhi - chuyên ngành phẫu thuật cho trẻ em

Các phẫu thuật viên nhi khoa có nhiệm vụ khám, phát hiện và điều trị các bệnh lý cần phải phẫu thuật cho đối tượng trẻ em. Website mong muốn cung cấp một phần nhỏ kiến thức vê lĩnh vực ngoại nhi cho bố mẹ và người chăm sóc trẻ, cũng như góp thêm ý kiến cho các nhân viên y tế thuộc chuyên ngành...

Thống kê
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay1,006
  • Tháng hiện tại17,479
  • Tổng lượt truy cập2,014,618
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây