Viêm bao quy đầu ở trẻ em

Thứ sáu - 12/05/2023 14:27
Viêm bao quy đầu là tình trạng viêm nhiễm của tổ chức da bao quy đầu, có thể ảnh hưởng đến toàn bộ quy đầu và thân dương vật. Nguyên nhân chủ yếu do bao quy đầu hẹp, dính chưa được nong rộng. Việc giữ gìn vệ sinh rất quan trọng để tránh tái phát.
Viêm bao quy đầu ở trẻ em
Viêm bao quy đầu ở trẻ em

Viêm bao quy đầu là gì?

Viêm bao quy đầu là tình trạng viêm nhiễm do vi khuẩn ở khu vực bao quy đầu, gây ra tình trạng sưng nề, tấy đỏ, đau, chảy mủ và đôi khi là viêm nhiễm vả vùng da đầu dương vật. Tình trạng này khá phổ biến ở các bé trai và thường diễn biến trong vòng 5 -7 ngày. Hầu hết các trường hợp đều ổn định mà không cần bất kỳ phương pháp điều trị đặc biệt nào. Tuy nhiên nếu không được chăm sóc đúng cách, tình trạng viêm có thể tái phát gây nên tình trạng viêm xơ mạn tính của bao quy đầu.
Tại Trung tâm Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi trung ương, rất ít trường hợp cắt bao quy đầu được thực hiện mặc dù số lượng trẻ đến khám vì tình trạng viêm bao quy đầu khá phổ biến. Viêm quy đầu ở trẻ em thường không nghiêm trọng vì các triệu chứng thường sẽ hết trong vài ngày. Tuy nhiên, trong các trường hợp viêm tái phát nhiều lần, bao quy đầu trở nên xơ chai, lúc này có thể sẽ cần cắt bao quy đầu để điều trị. Bố mẹ cần cho trẻ đến khám để bác sĩ tư vấn trực tiếp cho từng trường hợp cụ thể.
Bao quy đầu viêm chảy mủ
Hình ảnh viêm bao quy đầu ở trẻ em có chảy mủ

Triệu chứng viêm bao quy đầu

Các triệu chứng viêm bao quy đầu thường khá dễ nhận ra. Biểu hiện ban đầu có thể trẻ kêu đau khi đi tiểu, bố mẹ có thể quan sát thấy đầu cu bé trai bị đỏ, vùng da bao quy đầu sưng nề, tấy đỏ. Một sốt trẻ có thể bị ngứa, bé trai bị đau bộ phận sinh dục. Quy đầu trước đó có thể lộn ra ngoài được nhưng khi bị viêm sẽ bị bao phủ bởi lớp da bao quy đầu phù nề, không thể kéo xuống được. Có thể có mủ chảy ra khỏi bao quy đầu làm gia đình lầm tưởng chảy mủ theo nước tiểu.
Liệt kê các triệu chứng viêm bao quy đầu bao gồm:
- Đau khi đi tiểu
- Da bao quy đầu tấy đ
- Xuất hiện các đốm trắng giữa bao quy đầu và quy đầu
- Sưng tấy toàn bộ vùng đầu dương vật, đôi khi toàn bộ thân dương vật bị ảnh hưởng
- Trẻ cảm thấy đau nhức liên tục, không dám đi tiểu do sợ đau
- Mức độ nhẹ hơn, có cảm giác ngứa ngáy
- Tích tụ dịch mủ trong bao quy đầu, có thể rỉ ra ngoài
- Bao quy đầu có mùi khó chịu
- Không thể lộn bao quy đầu xuống để vệ sinh do đau và phù nề
Nếu bố mẹ nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số này hoặc trẻ kêu đau nhức hoặc khó chịu, nên cho trẻ đi khám. Nếu để lâu, sự viêm nhiễm do vi khuẩn bên ngoài có nguy cơ nó có thể lây lan vào đường tiết niệu, gây nhiễm khuẩn nặng hơn. Ngoài ra, các bác sĩ có thể tư vấn cho bố mẹ và gia đình về việc chăm sóc bao quy đầu để tránh tái phát.

Nguyên nhân gây viêm bao quy đầu

Trẻ nam ở bất cứ lứa tuổi nào, nếu vẫn còn bao quy đầu đều có thể bị viêm bao quy đầu. Phần lớn các trường hợp là khá nhẹ và tự thuyên giảm. Viêm quy đầu do vi khuẩn gây nhiễm trùng thực sự xảy ra ở khoảng 5% trẻ em trai dưới 5 tuổi.
Viêm bao quy đầu ở trẻ em có thể liên quan đến:
- Vệ sinh kém
- Kích ứng do nước tiểu chưa khô sau khi đi tiểu
- Kích ứng từ xà phòng, sữa tắm hoặc các sản phẩm khác
- Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm
- Các bệnh ngoài da như bệnh vẩy nến hoặc chàm
- Ngứa rát, trầy xước do trẻ kéo hoặc sờ bao quy đầu quá nhiều
Các triệu chứng viêm quy đầu phổ biến hơn ở những bé trai có bao quy đầu nguyên vẹn, nhưng quy đầu có thể bị viêm ngay cả ở những bé trai đã cắt bao quy đầu. Tình trạng này phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi.
Viêm bao quy đầu ở trẻ em có liên quan nhiều đến tình trạng bao quy đầu chưa lộn hết. Bao quy đầu thường tách ra khỏi quy đầu, trở nên rộng rãi làm cho quy đầu có thể lộn ra lộn vào, trong độ tuổi từ 5 đến 6 tuổi. Tình trạng hẹp trong thời gian này gọi là hẹp bao quy đầu sinh lý. Điều kiện vệ sinh không đảm bảo khiến cho bao quy đầu dễ bị tích lũy vi khuẩn và viêm nhiễm hơn.
Xem thêm: Hẹp bao quy đầu ở trẻ em.

Phương pháp điều trị viêm bao quy đầu.

Viêm bao quy đầu ở trẻ em thường dễ dàng có thể được chẩn đoán từ các triệu chứng và thăm khám dương vật. Trong một số trường hợp, bác sĩ cần làm thêm một số loại xét nghiệm để loại trừ các tình trạng khác gây ra các triệu chứng tương tự, ví dụ như xét nghiệm nước tiểu, dịch tiết đầu dương vật hoặc xét nghiệm nấm.
Hầu hết trẻ em bị viêm quy đầu chỉ cần vệ sinh tại chỗ, không cần can thiệp gì thêm. Quan trọng nhất là giữ vệ sinh tại chỗ, bằng cách rửa sạch bên ngoài hoặc kéo nhẹ để rửa sạch bên trong. Rửa bằng nước sinh hoạt sạch, không cần các chất sát trùng đặc biệt. Khi còn đang sưng nề, viêm nhiễm nên tránh việc nong, tách, kéo mạnh bao quy đầu có thể làm cho trẻ đau và nhiễm trùng nặng thêm. Đây cũng chính là cách trị viêm bao quy đầu tại nhà an toàn và hiệu quả.
Nong bao quy đầu hàng ngày để vệ sinh
Nong bao quy đầu hàng ngày để vệ sinh

Kể cả khi không có tình trạng viêm nhiễm, dương vật cũng nên được giữ sạch sẽ và khô ráo nhất có thể. Chỉ cần rửa sạch bằng nước sinh hoạt thông thường, không cần thiết phải sử dụng xà phòng hoặc các sản phẩm khác có thể gây kích ứng cho làn da mỏng manh ở khu vực này. Sau đó dương vật nên được làm khô cẩn thận trước khi mặc quần áo. Dương vật cũng nên được lau khô nhẹ nhàng sau khi đi tiểu. Nếu bao quy đầu đã tụt xuống, thì khu vực bên dưới cũng có thể được làm sạch và lau khô cẩn thận. Tuy nhiên, không nên cố gắng kéo bao quy đầu nếu nó chưa đủ rộng để dễ dàng tụt xuống vì có thể gây tình trạng thắt nghẹt bao quy đầu.
hep bao quy dau o tre em
Không lộn quá mạnh để tránh thắt nghẹt bao quy đầu

Cha mẹ có thể giúp trẻ vệ sinh trong thời gian đầu, nhưng điều quan trọng là phải dạy cho các bé trai học cách chăm sóc cơ thể khi chúng lớn lên để chúng có thể tiếp tục giữ thói quen vệ sinh cá nhân. Làm sạch dương vật đúng cách có thể ngăn ngừa viêm nhiễm vùng da quy đầu và giảm khả năng tình trạng này tái phát trở lại trong tương lai.

Trẻ mấy tuổi thì lột bao quy đầu?

Đây là câu hỏi khó do không có mốc cụ thể nào để tiến hành nong hay lột bao quy đầu cho trẻ. Tuy nhiên, ngay từ khi trẻ được sinh ra, từ thời kì sơ sinh, bố mẹ trẻ cũng nên tiến hành kéo lột nhẹ để phần da bao phủ được kéo dãn dần dần từ sớm.  Việc này nên được làm thường xuyên, nhẹ nhàng, tránh tâm lý sốt ruột, mạnh tay có thể làm tổn thương không cần thiết và làm đau trẻ. Ở trẻ lớn khoảng 6 tuổi, nếu thấy bao quy đầu vẫn còn bao phủ, chưa kéo ra được, gia đình nên cho cháu đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và tiến hành nong bao quy đầu nếu cần.

Viêm bao quy đầu bôi thuốc gì?

Một số trường hợp, có thể sẽ cần thuốc kháng sinh hoặc kem bôi tại chỗ để điều trị tình trạng viêm nhiễm nặng. Kháng sinh nhằm điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn. Nếu tình trạng viêm chỉ đơn giản là do kích ứng, thuốc bôi viêm bao quy đầu hydrocortisone dạng kem có thể làm dịu các triệu chứng.

Thường tình trạng viêm nhiễm sẽ giảm dần và kết thúc sau vài ngày, tuy nhiên việc vệ sinh bao quy đầu, chăm sóc bao quy đầu đúng cách là hết sức quan trọng để tránh tái phát về sau.

Vai trò của cắt bao quy đầu trong điều trị viêm bao quy đầu

Viêm bao quy đầu ở trẻ em tái phát nhiều lần có thể làm bao quy đầu xơ hóa và co rút lại. Đây là tình trạng hẹp bao quy đầu bệnh lý cần phải phẫu thuật cắt bao quy đầu. Việc giữ gìn vệ sinh bao quy đầu, quy đầu, dương vật tránh viêm nhiễm có thể làm giảm khả năng này. Tham khảo hình ảnh trẻ bị hẹp bao quy đầu sau đây:
hep bao quy dau o tre em
Hình ảnh trẻ bị hẹp bao quy đầu xơ hóa do viêm nhiễm nhiều lần

Trong đa số các trường hợp, viêm nhiễm thường không nghiêm trọng và hiếm khi phải cắt bao quy đầu. Tuy nhiên cũng có những trường hợp khó khăn trong việc giữ gìn vệ sinh, lúc này cắt bao quy đầu chủ động có thể giúp cho việc vệ sinh dễ dàng hơn, tránh ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt bình thường của trẻ. Một số nơi có tục lệ cắt bao quy đầu ở trẻ sơ sinh để phòng tránh viêm nhiễm nhưng điều này hoàn toàn không cần thiết.
Cần phải nhấn mạnh rằng, phẫu thuật cắt bao quy đầu có thể làm giảm khả năng viêm bao quy đầu quay trở lại, nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ viêm và nhiễm trùng. Quy đầu vẫn có thể bị kích ứng hoặc nhiễm trùng nếu không được chăm sóc đúng cách, vì vậy việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và dạy các bé trai cách chăm sóc cơ thể vẫn rất cần thiết.
 

Nếu bố mẹ trẻ phát hiện các vấn đề bất thường ở bao quy đầu của trẻ, có thể cho trẻ đến thăm khám tại Phòng khám chuyên khoa Ngoại tổng hợp, bệnh viện Nhi Trung ương. Thời gian khám bệnh từ 7h00 - 16h30 tất cả các ngày trong tuần, kể cả Thứ Bảy, Chủ Nhật. Chúng tôi hiện nay có 2 phòng khám:
- Phòng khám D118, khoa Khám bệnh chuyên khoa, tầng 1 nhà 15 tầng – Bệnh viện Nhi trung ương (thuận tiện khi đi từ cổng bệnh viện phía đường Chùa Láng).
- Phòng khám 23, khoa Khám bệnh đa khoa, Bệnh viện Nhi trung ương (thuận tiện khi đi từ cổng bệnh viện phía đường Đê La Thành).

Tác giả bài viết: BS. Trần Đức Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bình luận

Ngoại nhi - chuyên ngành phẫu thuật cho trẻ em

Các phẫu thuật viên nhi khoa có nhiệm vụ khám, phát hiện và điều trị các bệnh lý cần phải phẫu thuật cho đối tượng trẻ em. Website mong muốn cung cấp một phần nhỏ kiến thức vê lĩnh vực ngoại nhi cho bố mẹ và người chăm sóc trẻ, cũng như góp thêm ý kiến cho các nhân viên y tế thuộc chuyên ngành...

Thống kê
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay1,429
  • Tháng hiện tại26,483
  • Tổng lượt truy cập2,044,116
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây