Nang thừng tinh và tràn dịch màng tinh hoàn ở trẻ em

Thứ năm - 07/02/2019 11:57
Tràn dịch màng tinh hoàn, hay nang thừng tinh ở trẻ em là các dị tật thường gặp. Bệnh có biểu hiện sưng bìu, phồng lên ở vùng bẹn, bệnh thường không gây đau nhưng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của tinh hoàn nên cần được chẩn đoán và điều trị sớm.
Tràn dịch màng tinh hoàn ở trẻ em
Tràn dịch màng tinh hoàn ở trẻ em

Triệu chứng của tràn dịch màng tinh hoàn và nang thừng tinh

Triệu chứng điển hình của thoát vị bẹn hay tràn dịch màng tinh hoàn chính là tình trạng bìu sưng to lên và 2 bên lệch nhau. Thông thường trẻ không có triệu chứng đau, nhưng nếu tràn dịch với số lượng lớn, nhanh có thể gây đau tức do da bìu bị căng lên. Nếu trẻ bị đau bìu, cần nghĩ ngay đến thoát vị bẹn nghẹt. Trong bệnh, tràn dịch màng tinh hoàn, khối dịch  có thể bị nhiễm trùng và gây đau nhưng rất hiếm khi xảy ra.
Bố mẹ trẻ sẽ thấy tình trạng bìu căng to lên không thường xuyên. Khối này có thể nhỏ lại vào ban đêm hoặc khi trẻ ở tư thế nằm. Những triệu chứng như nôn, đau bụng cơn, bí trung đại tiện là dấu hiệu của tắc ruột, một biến chứng của thoát bị bẹn nghẹt.
Thăm khám trẻ ở cả tư thế nằm ngửa và tư thế đứng. Nếu khối vùng bìu bẹn xuất hiện ở tư thế đứng, đặt bệnh nhân nằm xuống. Sự thay đổi của khối này khi ở tư thế nằm gợi ý đến tình trạng thoát vị bẹn hay là tràn dịch màng tinh hoàn do còn ống phúc tinh mạc.
Nếu không quan sát thấy tình trạng bìu căng to lên, cần phải làm động tác cho tăng áp lực trong ổ bụng. Ví dụ như yêu cầu đứa bé thổi bóng, ho, hoặc ấn nhẹ lên thành bụng. Có thể giữ tay lên trên cao, làm cho trẻ giãy dụa, khối thoát vị tiềm tàng có cơ hội lộ ra.
Soi đèn vùng bìu (transillumination) có thể xác định được dịch ở trong bao tinh hoàn, gợi ý đến tràn dịch. Tuy nhiên phương pháp này không loại trừ hoàn toàn được tình trạng thoát vị bẹn bởi vì ruột cũng có thể bị ánh sáng xuyên qua.
Đôi khi có thể nghe thấy tiếng nhu động ruột trong khối vùng bìu trong trường hợp thoát vị bẹn.
Khi khám bẹn bìu, các bác sĩ đều cố gắng tìm dấu hiệu “găng tay lụa”. Nhẹ nhàng day day ngón tay phía trên xương mu có thể cảm nhận thấy sự tồn tại của ống phúc tinh mạc. Sự dày lên của ống phúc tinh mạc cùng với ống dẫn tinh tạo cảm giác như là hai ngón tay của “găng tay lụa” đang trượt lên nhau. Tuy nhiên, rất khó có thể xác định được ống phúc tinh mạc bằng thăm khám lâm sàng.

Nguyên nhân thường gặp của tràn dịch tinh hoàn

Hầu hết bệnh lý thoát vị bẹn tràn dịch màng tinh hoàn (hay nang nước thừng tinh) đều bắt nguồn từ sự bất thường quá trình thoái hóa (đóng) của ống phúc tinh mạc. Bất cứ nguyên nhân nào gây tăng áp lực trong ổ bụng đều làm chậm hoặc cản trở quá trình này
 
tràn dịch màng tinh hoàn ở trẻ
Tràn dịch màng tinh hoàn ở trẻ

Còn ống phúc tinh mạc thường kết hợp với một số bệnh lý khác như:
  • Ẩn tinh hoàn
  • Lỗ đái thấp
  • Mơ hồ giới tính
  • Lỗ đái đổ cao và bàng quang lộ ngoài
  • Thông não thất - ổ bụng
  • Bệnh lý của gan cùng với cổ chướng.
  • Khuyết thành bụng
  • Thẩm phân phúc mạc liên tục
  • Đẻ thiếu tháng, thiếu cân
  • Tiền sử gia đình
  • Phù
  • Viêm phúc mạc phân su
  • Rò dưỡng chấp ổ bụng
  • Xơ hóa dạng nang
  • Bệnh mô liên kết
  • Mucopolysaccharidosis

Tràn dịch tinh hoàn có nguy hiểm không?

Nang thừng tinh, tràn dịch tinh hoàn hay còn gọi là tràn dịch tinh mạc làm cho tinh hoàn bị bao bọc bởi môt lượng dịch đến từ ổ bụng. Khối dịch này có thể chèn ép vào các mạch máu nuôi tinh hoàn và ống dẫn tinh, về lâu về dài có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của tinh hoàn. Mặt khác, tinh hoàn cần nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể để đảm bảo quá trình sinh tinh trùng, dịch ổ bụng có nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng đến quá trình này. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng bị ảnh hưởng. và mức độ ảnh hưởng cũng khác nhau. Trẻ cần được thăm khám và điều trị sớm để tránh nguy cơ.

Tràn dịch màng tinh hoàn tái phát có thể là hậu quả của sự nhiễm trùng dẫn đến tích tụ dịch trong bao tinh hoàn, ngay cả khi ống phúc tinh mạc đã được đóng kín. Tình trạng này liên quan đến các bệnh lý như chấn thương, xoắn tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, phẫu thuật vào ổ bụng hoặc phẫu thuật sau phúc mạc gây rò bạch huyết.
 

Phân loại tràn dịch màng tinh hoàn

Tràn dịch màng tinh hoàn có thông thương chính là trường hợp ống phúc tinh mạc còn tồn tại và phát triển xuống tận bìu, bao quanh tinh hoàn. Về giải phẫu, trường hợp này giống như thoát vị bẹn gián tiếp, chỉ khác nhau ở chỗ, đường thông thương nhỏ, vì thế, chỉ có dịch trong ổ bụng mới xuống được.
Tràn dịch màng tinh hoàn không thông thương là trường hợp tràn dịch màng tinh mà không có tồn tại ống phúc tinh mạc. Loại này thường gặp ở trẻ sơ sinh, dịch màng tinh hoàn thông thường sẽ được hấp thụ hết khi trẻ được 1 tuổi.
Dịch màng tinh hoàn phản ứng cũng là một loại không thông thương, có bắt nguồn từ tình trạng phản ứng ở vùng bìu (nhiễm trùng hoặc chấn thương)
Tràn dịch màng tinh hoàn nhưng lượng dịch này chỉ dừng lại ở phía trên tinh hoàn được gọi là nang thừng tinh. Nguyên nhân là do ống phúc tinh mạc không đóng hết, chỉ đóng một phần ở phía dưới tinh hoàn. Sờ bìu thấy một khối cứng ở phía trên tinh hoàn và phân biệt rõ với tinh hoàn, đôi khi làm gia đình tưởng nhầm trẻ có 3 hoặc 4 tinh hoàn.
Tràn dịch trong ống phúc tinh mạc ở trẻ gái (hay còn gọi là ống Nuck) cũng có cùng cơ chế tương tự như ở trẻ trai.
Đôi khi có những trường hợp lượng dịch ở vùng bẹn bìu tinh hoàn lớn đến mức nó phát triển như một khối u bụng, gây tâm ly lo sợ cho gia đình.
tran dich mang tinh hoan
Tràn dịch màng tinh hoàn trẻ em
 
nang thung tinh
Nang thừng tinh bên phải

Khi nào cần phẫu thuật tràn dịch màng tinh hoàn, nang thừng tinh

Nhiều trẻ phát hiện các triệu chứng như sưng bìu, dịch xung quanh tinh hoàn từ khi sinh ra. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh, quá trình hoàn thiện cơ thể còn đang tiếp diễn, nên chưa cần điều trị ngay. Trẻ có thể tự khỏi bệnh sau 6 tháng đến 1 năm tuổi. Tuy nhiên rất cần phân biệt tràn dịch màng tinh với bệnh lý thoát vị bẹn ở trẻ, vì tuy cùng nguyên nhân gây bệnh, nhưng thoát vị bẹn có thể nguy cơ gây thoát vị bẹn nghẹt rất nguy hiểm, gia đình nên cho trẻ đi khám sớm để nhận được tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa Ngoại nhi.
Nếu đến 12 tháng tuổi, trẻ vẫn còn triệu chứng, lúc này trẻ cần điều trị bằng phương pháp phẫu thuật để tránh các nguy cơ như đã trình bày ở trên.
Phương pháp phẫu thuật có thể là phương pháp mổ mở hoặc phẫu thuật nội soi đều cho kết quả rất tốt, đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Nguyên tắc phẫu thuật đó là thắt ống phúc tinh mạc - ống thông từ trên bụng xuống bìu, làm cho dịch hay nước không thể xuống bìu được nữa. Đây là một trong các phẫu thuật thường quy, được thực hiện tại các trung tâm có khả năng phẫu thuật, gây mê hồi sức cho trẻ em tốt như Khoa Ngoại tổng hợp, bệnh viện Nhi trung ương.



 

Tác giả bài viết: BS. Trần Đức Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bình luận

Ngoại nhi - chuyên ngành phẫu thuật cho trẻ em

Các phẫu thuật viên nhi khoa có nhiệm vụ khám, phát hiện và điều trị các bệnh lý cần phải phẫu thuật cho đối tượng trẻ em. Website mong muốn cung cấp một phần nhỏ kiến thức vê lĩnh vực ngoại nhi cho bố mẹ và người chăm sóc trẻ, cũng như góp thêm ý kiến cho các nhân viên y tế thuộc chuyên ngành...

Thống kê
  • Đang truy cập8
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm7
  • Hôm nay658
  • Tháng hiện tại20,974
  • Tổng lượt truy cập2,038,607
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây