Bất thường quay của ruột

Chủ nhật - 23/04/2023 06:36
Nếu gia đình phát hiện trẻ có dấu hiệu nôn nhiều, nôn ra dịch vàng, bụng chướng, quấy khóc, hoặc phân có máu, hãy cần đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay lập tức. Có thể trẻ có tình trạng bất thường quay của ruột, hay còn gọi là ruột quay dở dang.

Ruột xoay bất toàn hay ruột quay dở dang là gì?

Ruột xoay bất toàn hay ruột quay dở dang, hay còn gọi là “bất thường quay của ruột” là một dị tật bẩm sinh xảy ra sớm trong thời kỳ bào thai, ruột của trẻ không phát triển theo chiều hướng bình thường mà hình thành thành cuộn trong bụng. Tình trạng này có thể gây ra biến chứng xoắn ruột (xoắn trung tràng) hoặc ở thể nhẹ hơn, gây tình trạng tắc ruột.
Một số trẻ có tình trạng ruột xoay bất toàn nhưng không gây triệu chứng và phát triển bình thường, vì vậy trong cộng đồng luôn luôn có những người có tình trạng này nhưng không biểu hiện thành bệnh. Nhưng trong đa số các trường hợp các triệu chứng rõ dần biểu hiện thành bệnh trong khoảng thời gian dưới 1 tuổi. Phẫu thuật có thể điều trị khỏi bệnh, hầu hết trẻ mắc bệnh sẽ phát triển bình thường sau khi điều trị mà không có biến chứng hay di chứng gì.

Ruột xoay bất toàn diễn ra như thế nào?

Khi thai nhi phát triển trong bụng mẹ, ruột bắt đầu như một ống nhỏ, nối thẳng giữa dạ dày và trực tràng. Khi ống này phát triển dài ra , ruột sẽ di chuyển vào trong dây rốn, nơi cung cấp chất dinh dưỡng cho phôi thai đang phát triển.
Khi đến tháng thứ 3, ruột di chuyển từ dây rốn vào bụng. Nếu chúng không quay đầu đúng cách sau khi di chuyển vào bụng, bất thường sẽ xảy ra. Nguyên nhân chính xác chưa được xác định, chỉ biết rằng tình trạng này gặp ở 1 trong số khoảng 500 trẻ được sinh ra.
bat thuong quay ruot o tre em
Các giai đoạn phát triển của ruột bình thường
 

Ruột xoay bất toàn có thể gây ra những vấn đề gì?

Khi có một phần ruột không quay hết theo đúng sự phát triển bình thường, một phần khác của ruột vẫn tiếp tục di chuyển, gây nên tình trạng cuộn lại với nhau.
Trong tình trạng nặng, các quai ruột xoắn quanh trục mạc treo, làm mạch máu mạc treo ruột thường là đng mạch mạc treo tràng trên bị xoắn, máu không lưu thông được, ruột thiếu máu trên một đoạn dài và hoại tử.
Trong trường hơp nhẹ hơn, ruột bị gập góc, thường là ở vị trí tá tràng – phần đầu tiên của ruột non, gây tình trạng tắc ruột (triệu chứng giống như bệnh lý tắc tá tràng).
Cả 2 trường hợp đều là những cấp cứu ngoại khoa, đòi hỏi phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật càng sớm càng tốt. Đặc bit xoắn ruột là tình trạng tối cấp cứu, do đoạn ruột bị tổn thương thiếu máu trên một đoạn dài, có thể ảnh hưởng đến toàn bộ chiều dài ruột, đe dọa tính mạng nghiêm trọng.

Các dấu hiệu và triệu chứng của ruột quay dở dang là gì?

Biểu hiện đầu tiên và thường gặp nhất chính biểu hiện của tình trạng tắc ruột. Tùy vào mức độ ruột bị chèn ép mà có thể tắc ruột không hoàn toàn hoặc tắc ruột hoàn toàn.
  • Ở trẻ sơ sinh: trẻ có biểu hiện bụng chướng, ăn sữa không tiêu, nôn trớ sau ăn sữa. Phân su có thể vẫn có bình thường.
  • Ở trẻ nhỏ: trẻ có dấu hiệu nôn nhiều bất thường. Nôn có thể diễn ra trong khoảng 15 – 30 phút sau ăn, dịch nôn ra là dịch thức ăn lẫn dịch mật vàng. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây tình trạng nôn trớ sau ăn của trẻ. Nếu thấy trẻ nôn nhiều, ảnh hưởng đến sự phát triển, cần cho đến khám tại cơ sở y tế. Tại bệnh viện, bác sĩ thăm khám cũng cần lưu ý đến ruột quay dở dang khi tiếp xúc với trẻ có triệu chứng nôn nhiều bất thường, tránh bỏ sót tình trạng bất thường quay ruột, có thể gây biến chứng xoắn ruột.
  • Ở trẻ lớn hơn: trẻ có biểu hiện ăn uống kém, chậm phát triển, còi xương, suy dinh dưỡng, có thể có những cơn đau bụng thoáng qua không điển hình.
Khi xuất hiện biến chứng xoắn ruột, trẻ có những dấu hiệu biểu hiện tình trạng rất nặng:
  • Bụng chướng, khi sờ vào bụng trẻ có biểu hiện đau, quấy khóc
  • Nôn ra dịch vàng xanh liên tục
  • Có thể có phân hoặc không. Nếu có phân có thể ở tình trạng phân lỏng
  • Có máu trong phân (triệu chứng rất quan trọng, nguy cơ cao xoắn ruột, gia đình hoặc bác sĩ thăm khám cần đánh giá và có phương án xử lý khẩn trương.
  • Nhịp tim nhanhnhịp thở nhanh
  • Tiểu ít, do mất dịch ra ngoài do nôn và dịch ứ đọng trong lòng ruột
  • Sốt, biểu hiện tình trạng nhiễm trùng toàn thân.

Làm thế nào để chẩn đoán ruột quay dở dang (bất thường quay của ruột)

Nếu nghi ngờ xoắn ruột hoặc bất kì tình trạng tắc ruột do nguyên nhân nào khác, chụp Xquang, siêu âm ổ bụng bao giờ cũng là phương tiện được chỉ định đầu tiên. Nếu trong trường hợp nghi ngờ, cắt lớp vi tính ổ bụng cũng cần được áp dụng để có chẩn đoán chính xác.
Chụp Xquang với thuốc cản quang (chụp lưu thông ruột, hoặc chụp khung đại tràng) là phương tiện chẩn đoán có giá trị, có thể chẩn đoán xác định được ruột quay dở dang nhờ vào hình ảnh các quai ruột sắp xếp bất thường trên phim.
Hình ảnh siêu âm điển hình là hình ảnh xoáy nước nằm ở giữa ổ bụng. Đây là hình ảnh có được do sự xoắn vào nhau của động mạch và tĩnh mạch mạc treo tràng trên, dấu hiệu điển hình của xoắn ruột và ruột quay dở dang.
dau hieu xoay nuoc
Hình ảnh xoáy nước trên siêu âm và cắt lớp vi tính ổ bụng
 

Điều trị ruột quay dở dang như thế nào?

Chỉ có một phương pháp điều trị ruột quay dở dang là phẫu thuật. Thời gian và mức độ khẩn cấp của ca phẫu thuật tùy thuộc vào tình trạng của trẻ. Nếu đã có biểu hiện xoắn ruột thì phải phẫu thuật ngay, tránh dẫn đến biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột.
Nếu trẻ được chẩn đoán có tình trạng ruột quay dở dang, trẻ cần được nhập viện điều trị. Trẻ sẽ cần đặt ống thông dạ dày để làm giảm áp lực trong lòng dạ dày và tá tràng, tránh tình trạng nôn ra ngoài. Kháng sinh, truyền dịch cũng cần được sử dụng để tránh mất nước và nhiễm trùng. Trẻ cần được nhịn ăn uống hoàn toàn.
Phương pháp phẫu thuật cho tình trạng này còn được gọi là phẫu thuật Ladd. Các bác sĩ sẽ sắp xếp lại ruột sao cho chúng theo chiều hướng thẳng nhất, các vùng ruột bị co rút sẽ được duỗi thẳng ra, sau đó ruột non được gấp vào bên phải của bụng, và đại tràng được đặt ở bên trái. Đây không phải vị trí tự nhiên của ruột, nhưng là vị trí tốt nhất để tránh tái phát tình trạng tắc ruột. Ruột thừa cũng được cắt bỏ trong trường hợp này bởi vì sau khi điều trị, ruột thừa sẽ nằm ở bên trái ổ bụng (thông thường, ruột thừa được tìm thấy ở bên phải). Nếu không cắt, nếu trẻ bị viêm ruột thừa, thể làm phức tạp việc chẩn đoán và điều trị.
Phẫu thuật có thể được thực hiện bằng phương pháp mổ nội soi, giúp giảm đau, sẹo mổ nhỏ cũng như rút ngắn thời gian điều trị sau mổ.
phau thuat dieu tri ruot quay do dang
Phẫu thuật điều trị bất thường quay của ruột

Trong trường hợp xoắn ruột, bác sĩ sẽ tháo xoắn và đánh giá đoạn ruột bị xoắn. Có thể một phần ruột không thể phục hồi, đòi hỏi phải cắt bỏ. Tùy vào tình trạng trẻ mà đoạn ruột bị cắt đi dài hay ngắn. Thông thường, sau khi cắt xong, khó có thể nối luôn các đoạn ruột còn lại, bác sĩ sẽ đưa 2 đầu ruột ra ngoài thành bụng làm hậu môn tạm (hậu môn nhân tạo). Trường hợp trẻ ổn định sẽ mổ lần 2, đóng lại hậu môn này cho lưu thông tiêu hóa bình thường.

Ruột quay dở dang có để lại biến chứng gì không?

Hầu hết các ca phẫu thuật này đều thành công, mặc dù một số trẻ có thể tái phát tình trạng tắc ruột sau phẫu thuật. Ruột được sắp xếp lại nhưng không phải theo tư thế tự nhiên, nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát. Ngoài ra tắc ruột do dính (mô sẹo hình thành sau bất kỳ loại phẫu thuật trong ổ bụng nào) cũng có thể xảy ra.
Trẻ em bị cắt bỏ một phần lớn ruột non có thể có quá ít ruột để duy trì đủ dinh dưỡng (một tình trạng được gọi là hội chứng ruột ngắn). Trẻ cần phải được nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch (IV) trong một thời gian sau khi phẫu thuật (hoặc thậm chí vĩnh viễn nếu ruột vẫn còn quá ít).
Hầu hết những trẻ được phát hiện và điều trị sớm, trước khi tổn thương nặng không hồi phục ở ruột xảy ra, đều sinh hoạt tốt và phát triển bình thường.
Nếu gia đình phát hiện trẻ có dấu hiệu nôn nhiều, nôn ra dịch vàng, dịch xanh, bụng chướng, quấy khóc, hoặc phân có máu, hãy cần đưa trẻ đến bệnh viện khám cấp cứu ngay lập tức để tránh biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
 

 

Tác giả bài viết: BS. Trần Đức Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bình luận

Ngoại nhi - chuyên ngành phẫu thuật cho trẻ em

Các phẫu thuật viên nhi khoa có nhiệm vụ khám, phát hiện và điều trị các bệnh lý cần phải phẫu thuật cho đối tượng trẻ em. Website mong muốn cung cấp một phần nhỏ kiến thức vê lĩnh vực ngoại nhi cho bố mẹ và người chăm sóc trẻ, cũng như góp thêm ý kiến cho các nhân viên y tế thuộc chuyên ngành...

Thống kê
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay618
  • Tháng hiện tại26,821
  • Tổng lượt truy cập2,044,454
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây