Bệnh trĩ ở trẻ em

Thứ ba - 02/05/2023 11:48
Bệnh trĩ là một tình trạng bệnh lý khó chịu vùng hậu môn, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày, hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng chỉ có người lớn mới mắc phải. Tuy nhiên, thực tế là trẻ em cũng có thể mắc bệnh trĩ mà nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng táo bón ở trẻ.
benh tri o tre em
benh tri o tre em

Bệnh trĩ ở trẻ em là gì?

Bệnh trĩ, theo cách gọi chuyên ngành là bệnh giãn tĩnh mạch dưới niêm mạc trực tràng, là tình trạng các tĩnh mạch ở hậu môn và phần dưới trực tràng bị giãn lớn, dễ bị kích thích trở nên sưng và viêm, và có thể gây chảy máu.

Các loại bệnh trĩ

Có hai loại trĩ: trĩ nội và trĩ ngoại.
Trĩ nội là tĩnh trạng viêm giãn tĩnh mạch ở phía sâu trong hậu môn và phần đầu của trực tràng. Ban đầu thường là những tĩnh mạch nhỏ, sưng lên ở thành của hậu môn, nhưng chúng có thể lớn dần, tăng kích thước và giãn to đến mức phình có thể nhìn thấy từ bên ngoài.
Trĩ ngoại cũng là sự giãn các tĩnh mạch nhưng ở vị trí xung quanh lỗ hậu môn và có thể bên ngoài rìa hậu môn. Khi bị viêm nhiễm, kích thích, tổn thương gây ngứa, chảy máu. Đôi khi trong lòng tĩnh mạch bị viêm nhiễm tái đi tái lại nhiều lần hình thành cục máu đông, phát triển bên trong túi trĩ gây đau dữ dội, sưng và viêm. Đây là tình trạng trĩ tắc mạch - một biến chứng của bệnh trĩ nếu để lâu không được điều trị thích hợp.
Ranh giới để phân biệt trĩ nội và trĩ ngoại là các tĩnh mạch giãn phía trên hay phía dưới đường lược, một đường hình răng cưa là ranh giới giữa phần trong và phần bên ngoài của ống hậu môn. Tuy nhiên, bệnh có thể biểu hiện kết hợp cả trĩ nội và trĩ ngoại, lúc này được phân loại là trĩ hỗn hợp.
benh tri o tre em
Bệnh trĩ ở trẻ em

Nguyên nhân gây bệnh trĩ ở trẻ em

Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh trĩ ở trẻ em là do táo bón. Khối phân cứng, cần động tác rặn mạnh kéo dài sẽ làm tăng áp lực lên hệ thống tĩnh mạch vùng trực tràng, gây nên tình trạng trĩ.
Ở trẻ nhỏ, tình trạng táo bón khá phổ biến do chế độ ăn ít chất xơ, ít uống nước và thói quen ngồi lâu khi đại tiện. Tuy nhiên, bệnh trĩ không quá phổ biến ở tuổi này do bệnh thường tiến triển trong thời gian dài,  do đó tình trạng rõ rệt thường gặp hơn ở lứa tuổi thiếu niên (từ 10 tuổi trở lên)
Ngoài ta, tiêu chảy và nhiễm khuẩn đường ruột cũng là một yếu tố nguy cơ, do kích thích đường tiêu hóa liên tục.

Các triệu chứng của bệnh trĩ

Các triệu chứng phổ biến bao gồm đại tiên phân máu, ngứa vùng xung quanh hậu môn, cảm giác đau, khó chịu khi đi đại tiện và lồi hậu môn ra ngoài.
Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh trĩ ở trẻ em là đai tiện phân máu. Nguyên nhân là do các mạch máu ở bên trong hoặc xung quanh ống hậu môn bị sưng viêm. Máu trong phân thường có màu đỏ tươi điển hình. Có nhiều nguyên nhân gây chảy máu tương tự như vậy, cần phân biệt với polype trực tràng hoặc các tình trạng bệnh lý khác.
Ngứa xung quanh hậu môn cũng tương đối thường gặp. Búi trĩ thường tiết dịch viêm gây kích thích niêm mạc hậu môn và các tổ chức xung quanh.
Trẻ có cảm giác đau và khó chịu khi ngồi lâu trên ghế cứng hoặc khi đi ngoài. Trẻ thường ngại đi vệ sinh để tránh đau, càng làm cho tình trạng táo bón thêm nghiêm trọng.
Một số trẻ đến viện trong tình trạng muộn, sờ thấy một cục hoặc khối lớn xuất hiện ở vị trí lỗ hậu môn, hoặc toàn bộ ống hậu môn bị sa ra ngoài (tình trạng sa niêm mạc trực tràng).
Táo bón nhiều khi còn làm trầm trọng hơn tình trạng
thoát vị bẹn ở trẻ em - một dị tật bẩm sinh phổ biến, dễ phát hiện khi có tình trạng tăng áp lực trong ổ bụng kéo dài do rặn mạnh.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh trĩ ở trẻ em như thế nào

Tỷ lệ mắc bệnh trĩ ở trẻ em là tương đối thấp, khi một trẻ có các triệu chứng vùng hậu môn tương tự, bác sĩ sẽ cần phân biệt với các tình trạng bệnh lý thường gặp khác: ví dụ như tình trạng viêm, nứt kẽ da quanh hậu môn, nếp da thừa hậu môn, đặc biệt là polype của trực tràng (một dị tật bẩm sinh biểu hiện như một tổ chức u lồi có thể gặp ở bất cứ đâu trên toàn bộ chiều dài đường tiêu hóa),…
Trong trường hợp khó xác định, nội soi đại trực tràng vừa có tác dụng chẩn đoán, vừa có tác dụng điều trị trong một số trường hợp ví dụ như phát hiện polype trong lòng đại trực tràng và cắt luôn qua dụng cụ nội soi.
Cần hết sức lưu ý, táo bón kéo dài có thể là triệu chứng của phình đại tràng bẩm sinh hay bệnh megacolon, một dị tật bẩm sinh của đường tiêu hóa có thể gặp ở trẻ em.

Điều trị bệnh trĩ ở trẻ em chủ yếu là điều trị tình trạng táo bón

Trẻ cần được đến phòng khám chuyên khoa Ngoại tổng hợp – bệnh viện Nhi trung ương để được bác sĩ đánh giá, điều trị và theo dõi thích hợp. Tuy nhiên, hầu hết bệnh trĩ ở trẻ em, cả nội và ngoại, chỉ cần điều trị giảm tình trạng táo bón mà không cần can thiệp bất cứ thủ thuật nào.
Các biện pháp điều trị bao gồm:
- Sử dụng kem bôi trĩ với thuốc gây tê giúp giảm đau
- Mặc đồ lót khô ráo, thoát mát, thấm hút tốt
- Tránh sử dụng các loại khăn giấy vệ sinh có nước hoa hoặc màu sắc
- Vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn
- Sử dụng các loai thuốc có tác dụng làm mềm phân để phân dễ ra ngoài, cũng như các loại men tiêu hóa để ổn định vi sinh đường ruột.
- Theo dõi thói quen đi vệ sinh để đảm bảo không ngồi quá lâu trong phòng vệ sinh
- Trẻ nên tránh tư thế ngồi quá lâu
- Khuyến khích trẻ tham gia và các hoạt động thể chất
- Cải thiện chế độ ăn uống: ăn nhiều trái cây và chất xơ, uống nhiều nước
- Rất hiếm trường hợp cần can thiệp phẫu thuật, thủ thuật đối với tình trạng trĩ ở trẻ em.

Tiên lượng

Nếu tình trạng táo bón được cải thiện, các triệu chứng của bệnh sẽ thuyên giảm dần dần. Các khối tĩnh mạch giãn (búi trĩ) sẽ giảm kích thước, các khối phồng ở rìa hậu môn sẽ xẹp dần, chỉ còn lại như nếp da.

Phòng chống bệnh như thế nào

Táo bón và rặn mạnh khi đi đại tiện làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ ở trẻ em. Để phòng chống bệnh và giảm các triệu chứng hiện có, cần tuân thủ các lời khuyên của bác sĩ
- Ăn thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau xanh
- Uống nhiều nước
- Tránh rặn mạnh khi đi vệ sinh
- Không nhịn khi buồn đi đại tiện, đi vệ sinh ngay khi có cảm giác buồn
- Hoạt động thể chất, tập thể dục điều độ
- Tránh ngồi lâu tại một vị trí
- Cần đi khám và thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ khi có dấu hiệu táo bón kéo dài không cải thiện bằng các biện pháp thông thường.


 

Tác giả bài viết: BS. Trần Đức Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bình luận

Ngoại nhi - chuyên ngành phẫu thuật cho trẻ em

Các phẫu thuật viên nhi khoa có nhiệm vụ khám, phát hiện và điều trị các bệnh lý cần phải phẫu thuật cho đối tượng trẻ em. Website mong muốn cung cấp một phần nhỏ kiến thức vê lĩnh vực ngoại nhi cho bố mẹ và người chăm sóc trẻ, cũng như góp thêm ý kiến cho các nhân viên y tế thuộc chuyên ngành...

Thống kê
  • Đang truy cập30
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm21
  • Hôm nay547
  • Tháng hiện tại26,750
  • Tổng lượt truy cập2,044,383
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây