Nang buồng trứng ở trẻ em

Thứ bảy - 15/04/2023 14:57
Tình cờ phát hiện con gái mình mới chỉ chưa đến 10 tuổi đã có nang buồng trứng, nhiều bố mẹ lo lắng, sợ ảnh hưởng đến tương lai sau này của trẻ. Bài viết cung cấp những thông tin cơ bản nhất về tình trạng nang buồng trứng có thể gặp ở trẻ em.
Nang buồng trứng
Nang buồng trứng

U nang buồng trứng là gì?

U nang buồng trứng là tình trạng buồng trứng xuất hiện một hoặc nhiều nang chứa đầy dịch, thường tự tiêu biến sau khi rụng trứng và có thể gây đau. Các u nang buồng trứng không tự thoái triển, có thể được chữa khỏi bằng cách phẫu thuật cắt bỏ hoặc chọc hút nang, mặc dù vẫn có thể có khả năng tái phát nhưng xác suất thấp. Nang buồng trứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi của trẻ, từ sơ sinh cho đến tuổi thanh thiếu niên. Những nang này có thể xuất hiện trên một hoặc cả hai buồng trứng, riêng lẻ hoặc thành cụm. Nang có thể gây tình trạng xoắn buồng trứng, hoặc vỡ nang trong ổ bụng.

Các loại u nang buồng trứng

Có một số loại u nang buồng trứng, bao gồm:
  • u nang chức năng (u nang hoàng thể)
  • buồng trứng đa nang
  • lạc nội mạc tử cung
  • u nang tuyến
  • u nang bì

Các triệu chứng của u nang buồng trứng ở trẻ em là gì?

U nang buồng trứng có thể không có triệu chứng cụ thể. Tùy thuộc vào kích thước, vị trí và bản chất khối u, trẻ có thể gặp các triệu chứng sau:
  • cảm giác đầy bụng, khó chịu
  • sờ thấy một khối cứng, không đau ở vùng bụng dưới
  • đi tiểu thường xuyên hoặc bí tiểu
  • đau bụng dai dẳng
  • buồn nôn, nôn
Đôi khi, u nang buồng trứng khiến buồng trứng bị xoắn, trẻ vào viện với cơn đau bụng dữ dội, hoặc âm ỉ tăng dần theo thời gian.
Ở trẻ em dưới 8 tuổi, u nang buồng trứng có thể gây tiết ra estrogen – nội tiết tố nữ, gây ra các triệu chứng như:
  • ngực phát triển
  • xuất hiện lông mu
  • tiết dịch âm đạo hoặc chảy máu
  • chảy máu kinh nguyệt bất thường
Nang buong trung o tre em
Nang buồng trứng lớn ở trẻ 14 tuổi được phẫu thuật

Nguyên nhân u nang buồng trứng là gì?

Ở tuổi sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, nang buồng trứng ở trẻ nữ được cho là có nguyên nhân từ các hormon sinh sản được tiết ra trong thời kì mang thai từ máu người mẹ truyền sang gây kích thích sự phát triển các nang trong buồng trứng của trẻ.
Ở tuổi vị thành niên, u nang buồng trứng có thể phát triển do
sự biến đổi của hormone sinh dục nữ trong thời kì bắt đầu có chu kỳ kinh nguyệt.

U nang buồng trứng được chẩn đoán như thế nào?

Hầu hết các u nang buồng trứng không gây ra các triệu chứng rõ ràng có thể tự thoái triển. Trong trường hợp trẻ có dấu hiệu đau bụng hoặc kinh nguyệt không đều, cần cho trẻ đến khám. Một số biện pháp chẩn đoán bao gồm
  • Siêu âm vùng chậu : Siêu âm có thể xác định có hay không có nang trong ổ bụng, có thể xác định vị trí khố nang thuộc buồng trứng hay không. Siêu âm là phương tiện chẩn đoán hình ảnh đơn giản, chi phí thấp, không gây hại nên thường dùng để theo dõi, khám lại định kì.
  • Xét nghiệm máu:   Một số hormon nội tiết cần được đánh giá để chẩn đoán bệnh, cũng như loại trừ nang buồng trứng với các bệnh lý khác trong ổ bụng. 
  • Chụp Cắt lớp vi tính ổ bụng: Trong trường hợp Siêu âm chưa có kết quả rõ ràng, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng cho kết quả chính xác hơn siêu âm. Chụp cắt lớp vi tính ngày nay đã trở thành phương tiện thường quy để chẩn đoán bệnh, nhất là trong trường hợp cần can thiệp phẫu thuật.
  • Nang buồng trứng cần được chẩn đoán phân biệt với các khối u khác thuộc buồng trứng ở trẻ em như: u quái buồng trứng, u tế bào mầm, ...
nang buong trung xoan
Một trường hợp nang buồng trứng xoắn được phẫu thuật nội soi điều trị

Nang buồng trứng ở trẻ được điều trị như thế nào?

Việc điều trị có thể khác nhau tùy thuộc vào một số yếu tố như tuổi, tình trạng sức khỏe chung và tiền sử bệnh của trẻ. Nếu đã có chẩn đoán u nang buồng trứng, một số phương pháp điều trị bao gồm:
  • Theo dõi sát: Hầu hết các u nang buồng trứng đều tự giảm đi về kích thước và tự hết mà không cần điều trị. Thường áp dụng với các nang buồng trứng dưới 5cm. Trẻ nên được khám kiểm tra 3 tháng/lần hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ.
  • Dẫn lưu, chọc hút: Một số trường hợp có thể cần được dẫn lưu nang bằng kim để giữ cho buồng trứng không bị xoắn gây thiếu máu cấp, hoại tử buồng trứng.
  • Cắt nang bảo tồn buồng trứng: Đối với những nang trên 5cm, có nguy cơ gây biến chứng như xoắn hoặc vỡ nang, việc điều trị phẫu thuật cắt nang nên được cân nhắc. U nang buồng trứng có triệu chứng, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt như đau, bí tiểu,… cũng nên được phẫu thuật.
Các nang buồng trứng cần được thăm khám và điều trị tại cơ sở y tế có khả năng phát hiện chẩn đoán, điều trị bằng phẫu thuật, cũng như hợp tác đa chuyên khoa: ung bướu, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh,… để tìm ra phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Nang buồng trứng ở trẻ em có ảnh hưởng gì đến sức khỏe sinh sản không?

Nang buồng trứng nếu được điều trị tốt, không tái phát, không bị các biến chứng như xoắn nang, vỡ nang thì không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của trẻ. Gia đình cần cho trẻ khám lại định kì để kiểm tra, phát hiện sớm các bất thường khác nếu có. 

Tác giả bài viết: BS. Trần Đức Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bình luận

Ngoại nhi - chuyên ngành phẫu thuật cho trẻ em

Các phẫu thuật viên nhi khoa có nhiệm vụ khám, phát hiện và điều trị các bệnh lý cần phải phẫu thuật cho đối tượng trẻ em. Website mong muốn cung cấp một phần nhỏ kiến thức vê lĩnh vực ngoại nhi cho bố mẹ và người chăm sóc trẻ, cũng như góp thêm ý kiến cho các nhân viên y tế thuộc chuyên ngành...

Thống kê
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay1,429
  • Tháng hiện tại26,278
  • Tổng lượt truy cập2,043,911
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây