Áp xe cạnh hậu môn và rò hậu môn ở trẻ em

Thứ ba - 02/05/2023 22:31
Bố mẹ phát hiện trẻ có khối sưng đau ở vị trí xung quanh hậu môn, đôi khi biểu hiện như một mụn nhọt chảy dịch mủ kéo dài. Đó chính là biểu hiện của các ổ áp xe viêm nhiễm hoặc đường rò hậu môn. Cùng tìm hiểu bài viết để có kiến thức đúng về vấn đề này.
Áp xe ở ở quanh khu vực xung quanh hậu môn và vùng mông, thường bị nghi ngờ là áp xe cạnh hậu môn hoặc rò hậu môn. Tuy nhiên, tại vị trí này có 3 tình trạng bệnh lý khác nhau cần phân biệt đó là: áp xe quanh trực tràng, áp xe cạnh hậu môn và áp xe mông. Tình trạng này nằm trong nhóm các bệnh lý vùng hậu môn thường gặp ở trẻ em.

Áp xe quanh trực tràng

Áp xe quanh trực tràng thực sự rất hiếm gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hiếm khi có triệu chứng biểu hiệu ra bên ngoài, nhiều khi chỉ được chẩn đoán qua khai thác bệnh sử hoặc khám phát hiện một cách tình cờ, nhưng thường dựa trên chẩn đoán hình ảnh siêu âm hoặc cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ.
Nguuyên nhân có liên quan đến chấn thương, có tiền sử phẫu thuật điều trị dị tật hậu môn, trực tràng, bệnh Crohn, suy giảm miễn dịch hoặc tổn thương khối nhiễm trùng (ví dụ, nang trực tràng đôi bội nhiễm hoặc u quái). Trẻ cần được sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để xác định nguyên nhân và đánh giá mưc độ nặng nhẹ.
Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân. Trường hợp nhẹ có thể chỉ cần sử dụng kháng sinh, trường hợp nặng hơn có thể cần phẫu thuật làm sạch ổ áp xe, làm hậu môn nhân tạo.

Áp xe mông

Các loại áp xe ở vùng mông rất phổ biến và đa số điều trị một cách đơn giản. Tuy vậy trong một vài trường hợp, áp xe có thể trở nên khá lớn và lan vào vùng xung quanh hậu môn (hố ngồi trực tràng).

Triệu chứng áp xe mông

Triệu chứng điển hình là một khối sưng viêm nằm cách xa vùng xung quanh hậu môn, thường ở dưới da hoặc nằm giữa các khối cơ ở vùng mông. Khối này có thể ban đầu chỉ giống như mụn nhọt viêm nhiễm ngoài da, sau đó tăng dần kích thước. Trẻ đau, khó chịu, ngồi lệch một bên do vùng đau không thể tì xuống được. Tình trạng nặng, nhiễm trùng lan ra toàn thân, trẻ xuất hiện sốt. Khối áp xe có thể phát triển to lên, tự vỡ ra ngoài da, gây chảy mủ, chảy máu.

Điều trị áp xe vùng mông

Trường hợp khối áp xe nhỏ, mới xuất hiện, sử dụng kháng sinh để kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn, tránh cho nó lan rộng. Kết hợp với chườm ấm tại chỗ có thể giúp cho ổ viêm nhiễm mau tiêu giảm hơn.
Khi đã hình thành ổ áp xe có mủ rõ, cần trích rạch ổ áp xe để tháo mủ ra. Đôi khi ở trẻ nhỏ, có thể khó phân biệt sự tổ chức mỡ vùng mông tương đối mềm với tổ chức áp xe. Nếu không chắc chắn cần cho trẻ  siêu âm phần mềm tại chỗ để đánh giá.
Đối với ổ áp xe như vây, ở trẻ lớn hoặc ở người lớn thường sẽ cần trích rạch dẫn lưu dẫn lưu, ở trẻ sơ sinh và trẻ em, kháng sinh và chườm ấm là đủ để có thể điều trị khỏi, tránh phải can thiệp. Quan trọng hơn cả là trẻ cần được thăm khám cẩn thận bởi các bác sĩ chuyên khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Nhi trung ương để có phương án điều trị phù hợp.

Chăm sóc sau điều tr

Sau khí trích rạch áp xe, trẻ cần được uống kháng sinh điều trị và chăm sóc và thay băng vết thương hàng ngày trong vòng khoảng 1 tuần. Các bác sĩ sẽ hướng dẫn bố mẹ và người chăm sóc trẻ thay băng tại nhà. Vết trích áp xe có thể hở miệng rộng, thấm máu thấm mủ trong một vài ngày đầu nhưng không có gì nghiêm trọng. Các áp xe lớn, cần chăm sóc đặc biệt sẽ cần phải nằm điều trị tại bệnh viện để nhân viên y tế chăm sóc.

Áp xe cạnh hậu môn

Áp xe cạnh hậu môn cũng tương đối phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi. Đúng như tên gọi, chúng bắt nguồn ngay ở vùng xung quanh hậu môn và hầu hết hiện diện dưới dạng áp xe nhỏ, ở khu vực xung quanh ống hậu môn.

Nguyên nhân của bệnh

Áp xe quanh hậu môn bắt nguồn từ sự nhiễm trùng của các tuyến hậu môn, sau đó lan đến vùng da xung quanh. Các tuyến hậu môn hay còn gọi là tuyến Morgagni nằm ở tổ chức xung quanh hậu môn phía dưới đường lược, đường này có thể được xác định bằng một nếp gấp ngang có thể sờ thấy được trong lòng ống hậu môn. Các ống tuyến đổ vào trong lòng ống hậu môn, nếu ống tuyến bị tắc nghẽn, vi khuẩn phát triển trong lòng tuyến gây nên ổ viêm nhiễm áp xe.
ro hau mon o tre em
Các bất thường vùng hậu môn ở trẻ

Triệu chứng áp xe cạnh hậu môn

Trong nhiều trường hợp, áp xe cạnh hậu môn có các triệu chứng đơn giản: khối cứng, sưng nề nhẹ bên cạnh hậu môn, cha mẹ trẻ phát hiện ra khi tắm hoặc thay bỉm. Trường hợp nặng, khối áp xe sưng đau, trẻ quấy khóc, khó chịu khi đại tiện, tại chỗ sưng nóng đỏ.
Khối áp xe lớn, dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần có thể do nguyên nhân từ đường rò hậu môn. Hiểu một cách đơn giản, khi khối áp xe hình thành nó có xu hướng tìm đường để vỡ ra, có thể vỡ ra bên ngoài ra, hoặc vỡ vào trong lòng ống hậu môn, hoặc vỡ cả 2 đường gây nên sự thông thương giữa lòng ống hậu môn và ngoài da – đây chính là đường rò hậu môn.

Điều trị áp xe cạnh hậu môn ở trẻ em như thế nào?

Trong đa số các trường hợp, khối áp xe nhỏ, ở trẻ dưới 3 tháng, xử trí đơn giản bằng ngâm nước ấm, uống kháng sinh và đôi khi chọc hút bằng kim.
Áp xe cạnh hậu môn được điều trị thành công mà không cần phẫu thuật dẫn lưu ít có khả năng xuất hiện lỗ rò trong hậu môn.
Đối với các ổ áp xe cạnh lớn, có các triệu chứng nhiễm trùng toàn thân hoặc điều trị bằng thuốc kháng sinh không hiệu quả, cần được trích rạch, tháo mủ ra ngoài để giảm triệu chứng và giảm khả năng hình thành đường hậu môn. Nguyên tắc chung các bác sĩ áp dụng là: sử dụng các đường rạch nông, tránh làm tổn thương phức hợp cơ quanh hậu môn, và cẩn thận tìm kiếm lỗ rò trong hậu môn nếu đã có. Để an toàn nhất, thủ thuật này nên được thực hiện tại phòng phẫu thuật, trẻ cần được gây mê toàn thân, tránh các thủ thuật gây tê tại chỗ có thể làm lan tràn sự viêm nhiễm rộng hơn.

Rò hậu môn ở trẻ em

hậu môn thường xảy ra ở trẻ sơ sinh bị áp xe quanh hậu môn tái phát. Tuy nhiên, ở trẻ lớn hơn, rò hậu môn có thể là triệu chứng đầu tiên của bệnh Crohn (một bệnh lý viêm đường tiêu hóa phức tạp). Vì vậy, đối với bác sĩ khám ban đầu, bệnh nhân trẻ lớn (5 – 6 tuổi trở lên) phát hiện rò hậu môn cần cảnh giác với bệnh lý này để có thái độ điều trị phù hợp.
Bên cạnh đó, khi trích rạch, dẫn lưu áp xe cạnh hậu môn ở bất kỳ lứa tuổi nào, bác sĩ cũng sẽ thăm khám cẩn thận để đánh giá xem có lỗ rò nào nối với hậu môn trực tràng hay không.
Đường rò hậu môn có thể được hình thành do khối áp xe cạnh hậu môn đơn giản ban đầu như đã nói ở trên. Ngược lại, đường rò hậu môn lại là cơ hội cho vi khuẩn từ trong lòng ống hậu môn xâm nhập vào tổ chức quanh hậu môn, gây nên triệu chứng áp xe liên tục. Có thể coi rò hậu môn như một tình trạng viêm nhiễm mạn tính, thỉnh thoảng lại xuất hiện một đợt viêm cấp tính, đợt viêm này được điều trị khỏi bằng kháng sinh, trích rạch, xong lại xuất hiện đợt khác.
Khi không trong đợt viêm cấp, đường rò hậu môn có đặc điểm là một nốt ngoài ra vùng hậu môn giống như một mụn nhọt thông thường, nhưng nốt này tồn tại dai dẳng không khỏi, thậm chí chảy dịch mủ, dịch phân qua vị trí mụn nhọt này. Thăm hậu môn có thể sờ thấy tổ chức viêm cứng ở thành ống hậu môn tương ứng với vị trí đường rò, ấn đau, chảy dịch mủ ra ngoài.
Rò hậu môn biểu hiện như một mụn ngoài da xung quanh hậu môn
Rò hậu môn biểu hiện như một mụn ngoài da xung quanh hậu môn

Điều trị rò hậu môn ở trẻ em như thế nào

Việc điều trị rò hậu môn tùy thuộc vào lứa tuổi.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:

Không cần thiết phải cố gắng xác định hay điều trị cụ thể cho đường rò hậu môn. Việc điều trị tập trung vào điều trị triệu chứng của khối áp xe cạnh hậu môn: kháng sinh, chườm ấm, trích rạch nếu cần, chăm sóc vết thương.
Nếu áp xe tái phát, tiếp tục điều trị theo phương án như vậy
Thông thường, đường rò hậu môn xuất hiện sớm, ở trẻ nhỏ sẽ tự liền và khỏi bệnh khi trẻ lớn lên. Trong thời gian đầu, có thể áp xe cạnh hậu môn tái phát một vài lần nhưng sẽ thưa dần và mất hẳn.
Việc cố gắng điều trị rò hậu môn khi trẻ còn quá nhỏ có thể gây ảnh hưởng đến các cấu trúc cơ thắt vùng hậu môn và thực sự không cần thiết

Ở trẻ trên 2 tuổi:

Nếu tình trạng áp xe cạnh hậu môn vẫn còn tái diễn, xuất hiện lỗ mở bên ngoài của đường rò, điều trị phẫu thuật: cắt đường rò sẽ cần thực hiện để giải quyết dứt điểm tình trạng viêm nhiễm.
Lúc này, tìm kiếm lỗ rò là tương đối quan trọng vì nếu không tìm thấy và cắt hết đường rò, nhiễm trùng có thể tái phát, tổ chức quanh hậu môn lúc này trở nên xơ sẹo, việc phẫu thuật lại trở nên rất khó khăn.
Điều trị rò hậu môn ở trẻ lớn tương đối phức tạp, cần sự chăm sóc hậu phẫu cẩn thận, và vẫn có thể có nguy cơ tái phát. Vì vậy, trẻ nên được điều trị phẫu thuật tại các trung tâm lớn, nơi bác sĩ có kinh nghiệm điều trị.
Xem thêm: Táo bón ở trẻ em, Bệnh trĩ ở trẻ em
 

Nếu bố mẹ trẻ nghi ngờ các bất thường vùng hậu môn của trẻ, có thể cho trẻ đến thăm khám tại Phòng khám chuyên khoa Ngoại tổng hợp, bệnh viện Nhi Trung ương. Thời gian khám bệnh từ 7h00 - 16h30 tất cả các ngày trong tuần, kể cả Thứ Bảy, Chủ Nhật. Chúng tôi hiện nay có 2 phòng khám:
- Phòng khám D118, khoa Khám bệnh chuyên khoa, tầng 1 nhà 15 tầng – Bệnh viện Nhi trung ương (thuận tiện khi đi từ cổng bệnh viện phía đường Chùa Láng)
- Phòng khám 23, khoa Khám bệnh đa khoa, Bệnh viện Nhi trung ương (thuận lợi khi đi từ cổng bệnh viện phía đường Đê La Thành)

 

Tác giả: BS. Trần Đức Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bình luận

Ngoại nhi - chuyên ngành phẫu thuật cho trẻ em

Các phẫu thuật viên nhi khoa có nhiệm vụ khám, phát hiện và điều trị các bệnh lý cần phải phẫu thuật cho đối tượng trẻ em. Website mong muốn cung cấp một phần nhỏ kiến thức vê lĩnh vực ngoại nhi cho bố mẹ và người chăm sóc trẻ, cũng như góp thêm ý kiến cho các nhân viên y tế thuộc chuyên ngành khác....

Thống kê
  • Đang truy cập24
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm3
  • Hôm nay5,826
  • Tháng hiện tại125,893
  • Tổng lượt truy cập2,512,331
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây